Instagram (ứng dụng được Facebook mua lại từ năm 2012), vừa giới thiệu tính năng chia sẻ video ngắn trên nền nhạc có tên là Reels.
Theo The Verge, Reels có ngôn ngữ thiết kế "giống hệt" như TikTok, một nền tảng chia sẻ video của công ty Trung Quốc ByteDance đang có nguy cơ bị cấm tại thị trường Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên Facebook sao chép các tính năng của các công ty khởi nghiệp (startup) nhỏ hoặc những đối thủ. Năm 2018, Facebook ra mắt nền tảng chia sẻ video ngắn Lasso nhằm cạnh tranh với TikTok. Đầu năm 2020, Facebook giới thiệu Hobbi với giao diện và tính năng tương tự như Pinterest.
Một trong những cáo buộc sao chép ồn ào nhất của Facebook là tính năng "Stories" trên Instagram. Trước đó, "Stories" cho phép người dùng đăng tải video ngắn, chỉ hiển thị trong 24h được xem là tính năng nổi bật nhất của Snapchat.
Snapchat là nạn nhân bị sao chép nhiều nhất
Năm 2013, Facebook từng ngỏ lời mua Snapchat với giá 3 tỷ USD, lúc này Snapchat chỉ là một ứng dụng nhắn tin mới thành lập được 2 năm. Tuy nhiên, CEO Evan Spiegel đã từ chối đề nghị trên. Thương vụ thất bại, Snapchat chính thức được xem là đối thủ của Facebook trong lĩnh vực mạng xã hội.
Snapchat giới thiệu tính năng "Stories" vào tháng 5/2014, nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng vì họ có thể đăng tải bất cứ nội dung nào họ thích và yên tâm chúng đó sẽ biến mất sau 24h.
Tháng 8/2016, Facebook cập nhật tính năng giống hệt như vậy trên Instagram. Tháng 3/2017, tính năng tương tự xuất hiện trên Facebook Messenger.
Theo Washington Post, Kevin Systrom, Giám đốc Điều hành Instagram cho biết tính năng "Stories" do công ty ông phát triển "giống hệt" trên phiên bản Snapchat, nhưng khẳng định họ không sao chép.
"Chúng tôi không sao chép từ ai cả. Trong trường hợp này, Instagram đã phát triển dựa trên nền tảng sẵn có từ Snapchat", Kevin nói với The Washington Post.
Giao diện "Stories" trên 2 ứng dụng Instagram (trái) và Snapchat (phải). Ảnh: Social Media Examiner. |
Trong phiên điều trần diễn ra vào ngày 30/7, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler lập luận việc Facebook mua lại Instagram vào năm 2012 là vi phạm luật chống độc quyền. Các email thu thập được cho thấy việc mua lại Instagram là nhằm loại bỏ "một đối thủ tiềm năng".
Tuy nhiên, nếu Facebook chỉ "phát triển" một tính năng giống hệt ứng dụng đối thủ, công ty này sẽ không vi phạm luật tại Mỹ và không bị gán tội vi phạm luật chống độc quyền.
Điều này đồng nghĩa với việc mua lại toàn bộ công ty đối thủ là sai, nhưng sao chép giống hệt tính năng của người khác thì không sai.
"Facebook không vi phạm bất kỳ luật kinh tế nào khi ra đời những tính năng tương tự đối thủ, nhưng nếu cứ đi theo hướng sao chép như vậy sẽ không tốt cho tương lai của công ty", Wendy Johansson, nhà phân tích kỹ thuật số tại Publicis Sapien nhận định.
Reels ra mắt ngay khi sắc lệnh cấm TikTok ban hành
Ngày 4/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận hoãn lệnh cấm và cho phép Microsoft tiếp tục đàm phán mua lại nền tảng chia sẻ video TikTok, thương vụ buộc phải hoàn thành trước ngày 15/9.
Sau đó 2 ngày, ông Trump ban hành một sắc lệnh mới, cấm mọi giao dịch cá nhân hoặc tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ với ByteDance (công ty mẹ của TikTok) sau ngày 20/9. Đồng nghĩa với việc "một công ty Mỹ" chỉ có khoảng 45 ngày nữa để mua TikTok hoặc ứng dụng này sẽ bị cấm vĩnh viễn.
Ngay lập tức, Instagram thông báo ra mắt Reels, một tính năng quay, dựng và chia sẻ video ngắn trên nền nhạc tương tự như TikTok. Tính năng Reels được thử nghiệm trước tại 50 quốc gia lớn như Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia...
Reels (trái) là tính năng quay và chia sẻ video ngắn, ra mắt ngay sau khi Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh cấm TikTok (phải). |
Sự xuất hiện của Reels một lần nữa đặt ra câu hỏi về vai trò của luật chống độc quyền tại thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, Instagram còn thể hiện động thái lôi kéo người dùng, đặc biệt là các nhà sáng tạo nội dung. Theo New York Times, Instagram xác nhận sẵn sàng hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, đồng ý chi trả "hàng nghìn USD" với điều kiện họ đăng tải video lên Reels "trước những nền tảng khác".
Tại phiên điều trần của Hạ viện Mỹ về vấn đề chống độc quyền, Mark Zuckerberg được hỏi về việc Facebook có sao chép các tính năng từ công ty đối thủ hay không.
"Chúng tôi chỉ điều chỉnh trên các tính năng sẵn có", CEO Facebook trả lời.
"Với những tính năng không được pháp luật bảo hộ như một nền tảng video quá mới, Facebook đang ở vị thế mà họ có thể sao chép y hệt tính năng và phổ cập nó nhanh hơn nhờ lượng người dùng khổng lồ", Rebecca Allensworth, giáo sư ngành luật và chuyên gia chống độc quyền tại Đại học Vanderbilt nhận định.