- Chính phủ Anh dự tính thông qua mức phạt lên tới hàng tỷ USD đối với Facebook và Google nếu các công ty này không loại bỏ được các nội dung độc hại khỏi nền tảng của họ.
- Một đơn vị thực thi pháp luật độc lập sẽ được phạt tới 4% doanh thu toàn cầu của các công ty.
- Chính phủ Anh muốn loại bỏ những bài viết kích động, bạo lực và những nội dung về chủ đề tự tử.
Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, bà Margot James, người đứng đầu Ủy ban kỹ thuật số của Anh cho biết một đơn vị thực thi pháp luật sắp được tổ chức để quản lý và có thể phạt những công ty như Facebook hay Google khi họ không bảo vệ người dùng một cách đúng mực.
Mức phạt hàng tỷ USD cho Facebook, Google
Kế hoạch này dự định được trình bày chi tiết trong tháng 3. Theo bà James, những nhà làm luật trên khắp thế giới đều đang soạn thảo những điều luật để kiểm soát các mạng xã hội.
Chính phủ Anh dự định lập một cơ quan quản lý độc lập, có chức năng kiểm soát các nội dung độc hại và ban hành mức phạt đối với các công ty không có hành động kịp thời để xóa các nội dung đó.
Bà Margot James, người đứng đầu Ủy ban kỹ thuật số của Anh cho rằng có thể phạt nặng Facebook, Google nếu họ không kịp thời gỡ bỏ nội dung độc hại. Ảnh: Business Insider. |
Bà James cho biết cơ quan mới có thể đưa ra mức phạt tương đương Văn phòng ủy ban thông tin (ICO), tức là tới 4% doanh thu toàn cầu của các công ty. Con số này tương đương 2,2 tỷ USD đối với Facebook, và 5,4 tỷ USD đối với Google, dựa theo doanh thu năm 2018 của hai công ty này.
Đại diện của Google và Facebook đều cho biết họ sẵn sàng hợp tác với các điều luật mới.
“Sẽ có những phương thức trừng phạt nặng tay, và không thể không có hình phạt về tài chính. Hình phạt này phải đủ sức răn đe. Chúng ta có thể nhìn vào mức phạt của ICO để thấy điều đó”, bà Margot James cho biết.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Anh đưa ra một dự thảo cứng rắn như vậy đối với các công ty công nghệ và mạng xã hội. Ngoài hình phạt về tài chính, những người đứng đầu còn có thể bị truy tố về hình sự nếu không kiểm soát được nền tảng của mình.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc tất cả các hình phạt có thể”, ông Jeremy Wright, Bộ trưởng văn hóa Anh nói trên BBC.
Năm 2018, CEO Facebook Mark Zuckerberg từng chịu chỉ trích khi điều trần trước Nghị viện châu Âu về vấn đề tin giả và những nội dung cực đoan tràn lan trên Facebook. Ảnh: CNN. |
Hiện tại, vẫn chưa có định nghĩa chính xác về “nội dung độc hại”. Bà James cho biết chính phủ sẽ có cái nhìn tổng quát về các nội dung xấu, và phân tích mọi thứ, từ các phát ngôn phân biệt đối xử, khủng bố, bắt nạt và bạo lực tới tấn công tình dục trẻ em và các nội dung liên quan đến tự tử, làm hại bản thân. Việc lan truyền tin giả cũng có thể bị kiểm soát.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có định nghĩa chính xác”, bà James cho biết. Theo bà, “những gì phạm pháp và không được chấp nhận ngoài đời thì cũng là phạm pháp, không được chấp nhận trên mạng”.
Bà cũng cho rằng mạng xã hội không hoàn toàn có lỗi khi những nội dung độc hại xuất hiện. Tuy nhiên, trách nhiệm của họ là gỡ bỏ những nội dung này, nên nếu không làm được thì đó là lỗi của mạng xã hội.
“Chúng ta cần gỡ bỏ những nội dung đó trước khi nó gây ảnh hưởng. Đó là vấn đề chúng tôi muốn nói đến. Nếu để tới vài tuần thì đã quá muộn”.
Anh muốn đi đầu về luật kiểm soát mạng xã hội
Các bộ trưởng của Anh hiện vẫn chưa thống nhất được về cách thức tổ chức cơ quan mới. Họ cũng có thể sử dụng Ofcom, cơ quan hiện kiểm soát nội dung phát thanh, truyền hình.
Bà James cho biết mặc dù chính phủ Anh muốn kiểm soát các nội dung xấu, họ cũng phải hết sức nhạy cảm để tránh chèn ép sự sáng tạo.
“Chúng tôi không muốn tạo ra một môi trường chỉ toàn xua đuổi và dồn ép, bởi chúng tôi cũng muốn khuyến khích sự sáng tạo”.
Với hàng tỷ người dùng qua các ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram, Facebook cần phản ứng nhanh hơn với những thông tin độc hại. Ảnh: AP. |
Bà cũng cho rằng những điều luật của Anh có thể trở thành ví dụ cho nhiều chính phủ khác noi theo.
Ông Damian Collins, thuộc Ủy ban kỹ thuật số của Anh tuần trước đã công bố kết quả cuộc điều tra 18 tháng đối với Facebook và vấn nạn tin giả. Ông Collins cho rằng những hãng công nghệ phải bị phạt số tiền lớn nếu như họ không quản lý được nội dung xấu.
“Một cơ chế phạt nặng sẽ rất quan trọng để đảm bảo những công ty công nghệ làm đúng những gì mà chính phủ muốn họ cam kết. Như chúng ta đã từng thấy đối với điều luật NetzDG của Đức, các công ty công nghệ phản ứng với túi tiền của họ, và nếu họ không làm tròn trách nhiệm của mình thì họ đáng bị phạt một mức lớn”, ông Collins chia sẻ.