Trong những ngày gần đây, hàng loạt các tựa bài như "Người tị nạn Syria từ bỏ đạo Hồi ngay khi lần đầu nếm thịt xông khói" hay "Trận huyết chiến đẫm máu giữa hai băng đảng làm hàng chục người bị chết và bị thương",... xuất hiện nhan nhản trên Facebook.
Các title này được hàng chục các trang tin dỏm của tại Mỹ và Canada đưa lên Facebook theo nhiều nguồn khác nhau. Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn thông tin giả mạo dắt mũi người dùng Facebook, khiến mạng xã hội này "đau đầu" trong việc tìm cách đối phó, theo Buzzfeed News.
Facebook đang tìm mọi cách để đối phó nạn tung tin nhảm câu view. Ảnh: BuzzFeed. |
Từ đầu 2015, mạng xã hội tuyên chiến với nạn tin vịt bằng cách bổ sung thêm tuỳ chọn báo cáo: "It's a false news story" cho người dùng. Khi người dùng chọn ẩn một mẩu tin vịt xuất hiện trên News Feed, tuỳ chọn này sẽ hiện ra.
Theo đó, khi Facebook thu thập được một lượng báo cáo đủ lớn, những tin bài lừa đảo bị hạn chế xuất hiện, và khả năng lan toả của những fanpage hay tài khoản chuyên phao tin vịt sẽ bị giảm đi đáng kể.
Sau khi áp dụng thuật toán mới, lượng tin vịt trên Facebook trong năm 2015 giảm mạnh. "Kể từ lúc cập nhật việc đánh tụt hạng các trang chuyên tung tin nhảm trên Facebook, chúng tôi nhận thấy sự suy giảm đáng kể những thông tin kiểu này", phát ngôn của Facebook tự tin nói với BuzzFeed News.
Tuy nhiên, đến năm 2016, đặc biệt là trong tháng một và hai, số lượng các tin vịt lại xuất hiện trở lại như nấm sau mưa. Những trang tin như National Report, Huzlers, Empire News, The Daily Currant, I Am Cream Bmp, CAP News, NewsBiscuit.com, Call the Cops và World News Daily Report,... vẫn sống khoẻ và dường như ngày càng có thêm nhiều chiêu trò để lan toả những nội dung không có thật trên Facebook. Tất cả đều cố gắng phao tin nhảm nhằm câu kéo càng nhiều lượt share, lượt truy cập để tăng thứ hạng trên Google và có thể bán được quảng cáo.
Truy tìm nguyên nhân vì sao tin vịt vẫn có đất sống trên Facebook, BuzzFeed phát hiện ra rằng những website kể trên đã dùng những người nổi tiếng để phao tin giúp. D.L Hughley, danh hài ở Mỹ là một ví dụ. Tài khoản cá nhân của Hughley thường xuyên dẫn lại những đường link chứa các dòng tít "giật gân", và tất nhiên đều là những câu chuyện rẻ tiền, không có thật hoặc bị thổi phồng. Mỗi post của Hughley thu hút khoảng 10 ngàn lượt share.
Không chỉ người nổi tiếng, tin vịt trên Facebook cũng len lỏi đến các đài phát thanh địa phương. Chương trình tin tức 93XFN đã đưa tin một phụ nữ hút thuốc phiện và nhai dương vật của bạn trai, vốn được lan truyền bởi trang chuyên phao tin nhảm Huzlers. Những biên tập viên của đài phát thanh địa phương không xác minh nguồn gốc thông tin, và vô tình tiếp tay cho những kẻ sống nhờ vào tin tức giả.
Đầu năm 2016, tờ The New York Times cũng là nạn nhân của thông tin giả trên Facebook khi viết bài về vấn đề hạn chế việc sử dụng súng tại Mỹ. Trang báo uy tín này dẫn lại luật cấm mua bán đạn dược ở Califoria, tuy nhiên văn bản luật này hoàn toàn không có thật, và được "tạo ra" từ trang Nation Report, một trong những nguồn phát tán tin nhảm lớn tại Mỹ. Ngay sau khi xuất bản, The New York Times đã phải chỉnh sửa và đính chính.
The New York Times, tờ báo hàng đầu ở Mỹ, cũng mắc sai lầm khi dẫn nguồn đến một trang tin vịt. |
Sau sự cố, Facebook đã "đoạn tuyệt" với tất cả những thông tin trỏ về Nation Report, nhưng Allen Montgomery, ông chủ của trang tin này cho biết đã lập nên một website khác có cách hoạt động và giao diện giống hệt để tiếp tục hoạt động.
Tương tự, Daniel Barkeley, chủ của trang lá cải Daily Currant, cho biết những biện pháp mới của Facebook không gây ảnh hưởng gì đến trang tin của ông. Daniel ý thức được những gì Facebook đang làm và đều có sẵn kế hoạch để đối phó.
"Họ có thể chặn luôn tờ Nation Report, tất nhiên là vậy. Nhưng tôi có cả ngàn tên miền mới được lập trong một tuần, và Facebook không thể cứ đọc để thẩm định nội dung từng trang như vậy. Chuyện đó không thể xảy ra và đó cũng không phải là cách Internet hoạt động". "Tôi nghĩ rằng họ đang nỗ lực chiến đấu trong một trận đấu cầm chắc thất bại", Allen Montgomery tự tin thách thức Facebook.