F1 2009: Những đổi thay quan trọng
Sử dụng lốp trơn, thay đổi động cơ, luật Pit Lane hay sự vắng mặt của những đội đua gạo cội tạo cho Formula 1 năm nay nhiều điểm hấp dẫn và hứa hẹn bất ngờ.
Màn rượt đuổi vẫn rất được ngóng chờ (Ảnh: Theage)
Sau gần 5 tháng đầy khó khăn và thử thách, F1 2009 sẽ được trở lại đường đua nóng vào cuối tháng 3 này với nhiều sự thay đổi cho mùa giải mới.
Sự ảnh hưởng lớn nhất tới giải đấu F1 trong thời gian vừa qua chính là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngân sách tài chính đã khiến cho con thuyền F1 lao đao trước sóng lớn, và FIA đã phải làm tất cả những gì có thể để những bánh xe lại tiếp tục quay.
Nối tiếp sau câu chuyện buồn SuperAguri, một đội đua Nhật Bản khác cũng chưa thể định đoạt tương lai của mình, đó là tuyên bố ra đi của Honda vào cuối năm 2008. Sau hơn 40 năm phát triển, F1 đang đương đầu với một tương lai rất ảm đạm. Ngân sách tiền thưởng của mùa giải 2009 chỉ bằng 2/3 so với mùa giải trước. Phần lớn các ngân hàng tài trợ cho giải đấu đều tuyên bố ra đi để tiết kiệm chi phí, điều đó đã khiến FIA phải tự cắt giảm ngân quỹ để duy trì hoạt động cho mùa giải này.
Tương lai bất ổn - Liệu Honda còn có thể tiếp tục? (Ảnh:Garage)
Thay đổi lớn nhất của F1 2009 đó là sự trở lại của lốp trơn (slick tyres) sau một thập kỷ nhường lại vị trí cho lốp rãnh (grooved tyres). Lốp trơn cho tốc độ của xe cao hơn nhưng độ an toàn lại thấp hơn, khi khả năng chống trượt giảm đi 20% so với lốp có rãnh. Chính vì sự thay đổi này khiến hệ thống khí động học của thân xe đã phải cải tiến để tăng lực hãm của xe khi vào cua. Cánh trước xe mở rộng hơn và hạ thấp hơn, cánh phía sau ngắn đi nhưng lại cao hơn so với những thiết kế mùa giải trước. Những cuộc thử nghiệm trước mùa giải đã cho thấy tốc độ của những cỗ máy đã tăng đáng kể khi trở về với lốp trơn. Kỷ lục tại vòng phân hạng ở Sepang Malaysia 2005 do Fernando Alonso lập là 1’32”582 bị Felipe Massa phá một cách đơn giản trên chiếc F60 thử nghiệm là 1’32”162. Một lý do nữa khiến lốp trơn được sử dụng vì dễ sản xuất hơn và chi phí ít hơn lốp có rãnh.
Massa giữ kỷ lục tại Sepang trên chiếc F60 (Ảnh: Formula1)
Lần đầu tiên F1 thử nghiệm DAB (Driver Adjustable Bodywork) thông qua việc điều khiển nâng cánh trước mũi xe. Việc này giúp cho cánh trước đủ chiều cao và độ nghiêng để băng qua những góc cua có độ dốc lớn. DAB có thể giúp cho cánh trước thay đổi độ nghiêng đến 6 độ. Mỗi một vòng đua (lap), DAB chỉ được sử dụng tối đa 2 lần.
Sự thay đổi tiếp theo trên chiếc xe cho mùa giải 2009 chính là từ động cơ. Tất cả các cỗ máy đều dùng động cơ V8 - 2.4L với giới hạn vòng tua là 18.000 RPM so với 19.000 RPM của mùa giải trước. Đồng thời quãng đường thử nghiệm cũng giảm theo từ 30.000km xuống 20.000km. Điều này giúp FIA giảm bớt chi phí phát triển động cơ khi độ bền của động cơ sẽ được nâng lên.
Mùa giải mới này sẽ áp dụng hệ thống KERS (Kinetic Energy Recovery System - Hệ thống phục hồi năng lượng khi phanh). Đây là một cải tiến nhằm lưu trữ những năng lượng lãng phí khi phanh xe, rồi phục vụ cho việc tăng tốc trên đường đua. Đây gần giống như một bản sao cho PowerBoost sử dụng tại giải đua A1GP, khi các tay đua có thể sử dụng 12 lần trong một GP. Tuy là một cải tiến mới nhưng FIA không bắt buộc các đội đua tham gia đều phải sử dụng tính năng này. Do vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm nên KERS còn có rất nhiều vấn đề về an toàn cho các thành viên đội đua, nhất là hệ thống điện.
Safety car sẽ an toàn hơn? (Ảnh: UK Sports)
Một thay đổi quan trọng và nhận được nhiều sự hưởng ứng của tất cả các đội đua là luật của Pit Lane 2009. Như 2 mùa giải gần đây, việc đóng mở Pit Lane khi có tai nạn thường vô tình tạo nên những chướng ngại cho các tay đua khi mức nhiên liệu trên xe không còn đủ để bám theo xe an toàn. Mô hình này được áp dụng vào mùa giải 2007 với mục đích tránh có những sự cố đáng tiếc trong vùng nguy hiểm. Chính vì lẽ đó, tại mùa giải 2009, FIA đã thay đổi điều luật này bằng cách cho phép xe có thể vào Pit Lane bất kỳ lúc nào trong trường hợp không đủ nhiên liệu.
Ngoài những thay đổi về luật chơi hay những chi tiết trên những cỗ máy F1, thì mùa giải 2009 cũng chứng kiến những thay đổi lớn trên hệ thống đường đua. Sau khi Canada xin được trì hoãn việc tham gia đăng cai tổ chức vì lý do tài chính thì Magny Cours cũng xin tạm dừng thi đấu vì điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều bất ổn.
Vòng đấu ở Thượng Hải sẽ được đẩy lên tháng 4 nhằm hạn chế những chi phí đi lại của các đội đua khi gói gọn lịch thi đấu trong cùng một khu vực, mặt khác thời tiết tại Thượng Hải sau 5 mùa giải tổ chức đều rơi vào những tháng có lượng mưa nhiều, không thuận lợi cho thi đấu. GP tại Nhật Bản chào đón sự trở lại của Công viên Suzuka sau 2 năm cải tạo, Suzuka sẽ thế chỗ của Fuji Speedway - một trong những vòng đua hấp dẫn nhất của mùa giải.
Abu Dhabi sẽ là điểm dừng chân bất ngờ (Ảnh: Worldpress)
F1 2009 còn có thêm những vòng đua mới cho khu vực Châu Á, đó là GP tại Abu Dhabi, được dự kiến tổ chức ở vòng đua cuối cùng của mùa giải vào ngày 1/11. Đường đua Abu Dhabi được xây dựng trên bán đảo Yas Marina, cách thủ đô chừng 32km về phía Đông. Một được đua hiện đại bậc nhất và đây chắc chắn sẽ là vòng đấu rất đáng mong chờ của mùa giải 2009. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn nhiều lo lắng thì các ông vua dầu lửa vẫn đủ sức tạo nên những bất ngờ thú vị cho người hâm mộ đua xe thế giới.
Lịch thi đấu có nhiều thay đổi khi các vòng đấu tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ được chỉnh lại cho phù hợp với giờ trưa của khu vực Châu Âu. Chặng thi đấu tại Melbourne và Sepang sẽ là 17h, còn Thượng Hải cùng Suzuka sẽ là 15h theo giờ địa phương. Đây là sự thay đổi nhằm thu hút những khán giả tại Châu Âu do chênh lệch múi giờ mà việc theo dõi qua truyền hình gặp nhiều hạn chế. Tuy vậy đó cũng là những thách thức cho các tay đua khi băng qua những khúc cua, bởi vào 17h thì ánh nắng sẽ rất chói và gây nhiều cản trở cho tầm nhìn.
Một mùa giải mới đang rất được ngóng chờ. Trong hoàn cảnh khó khăn, những điều chỉnh cho F1 có giúp cuộc chiến tốc độ trở nên hấp dẫn hơn? Phía trước chắc chắn sẽ là thử thách và con thuyền F1 phải vượt qua tất cả.
Lịch thi đấu năm 2009:
01 | ING AUSTRALIAN GRAND PRIX (Melbourne) | 27 - 29/3 |
02 | PETRONAS MALAYSIAN GRAND PRIX (Kuala Lumpur) | 03 - 05/4 |
03 | CHINESE GRAND PRIX (Shanghai) | 17 - 19/4 |
04 | GULF AIR BAHRAIN GRAND PRIX (Sakhir) | 24 - 26/4 |
05 | GRAN PREMIO DE ESPANA TELEFONICA (Catalunya) | 08 - 10/5 |
06 | GRAND PRIX DE MONACO (Monte Carlo) | 21 - 24/5 |
07 | ING TURKISH GRAND PRIX (Istanbul) | 05 - 07/6 |
08 | SANTANDER BRITISH GRAND PRIX (Silverstone) | 19 - 21/6 |
09 | GROSSER PREIS SANTANDER VON DEUTSCHLAND(Nürburgring) | 10 - 12/7 |
10 | ING MAGYAR NAGYDIJ (Budapest) | 24 - 26/7 |
11 | TELEFONICA GRAND PRIX OF EUROPE (Valencia) | 21 - 23/8 |
12 | ING BELGIAN GRAND PRIX (Spa-Francorchamps) | 28 - 30/8 |
13 | GRAN PREMIO SANTANDER D'ITALIA (Monza) | 11 - 13/9 |
14 | SINGAPORE GRAND PRIX (Singapore) | 25 - 27/9 |
15 | FUJI TELEVISION JAPANESE GRAND PRIX (Suzuka) | 02 - 04/10 |
16 | GRANDE PREMIO DO BRASIL (Sao Paulo) | 16 - 18/10 |
17 | ETIHAD AIRWAYS ABU DHABI GRAND PRIX (Yas Marina Circuit) | 30/10 - 01/11 |
Dũng Lê
Theo DV