Cuộc chiến tại Eximbank tiếp tục nóng sát ngày diễn ra ĐHCĐ lần thứ 2 sau lần đại hội tháng trước bất thành. |
Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Eximbank tổ chức ngày 29/4/2016 bất thành. Nhiều thông tin cho rằng, các cổ đông nắm giữ hơn 40% cổ phiếu đang tìm cách xoay chuyển tình huống để bảo vệ quyền lợi.
Eximbank hiện có 9 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), trong đó chỉ có 3 thành viên đại diện nhóm cổ đông nắm giữ cổ phiếu, gồm ông Naoki Nishizawa, Yasuhiro Saitoh (Nhật Bản), Ngô Thanh Tùng (không tính ông Cao Xuân Ninh đã từ nhiệm) và bà Ngô Thu Thúy. Các thành viên còn lại đều không nắm giữ cổ phần.
Hơn 1 tháng trước ngày diễn ra ĐHCĐ, bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Phạm Hữu Phương - đại diện 2 nhóm cổ đông nắm giữ 22,2% cổ phần – gửi yêu cầu HĐQT bầu bổ sung 2 thành viên theo nghị quyết ĐHCĐ tháng 12/2015, nhưng không được HĐQT xem xét.
Nhưng cả nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 25,95% cổ phần, bao gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản), Quỹ Đầu tư VOF Investment Limited, Quỹ đầu tư Mirae Asset Exim Investments Limited và nhóm cổ đông do ông Trần Công Cận đại diện, lại đưa 2 kiến nghị giữ nguyên 9 thành viên HĐQT vào giờ chót, sát ngày đại hội.
Một số cổ đông phản ánh, trang web của Eximbank sau đó đã thêm hai tờ trình và ghi ngày công bố là 28/4/2016. Việc HĐQT công bố thông tin vào phút 89, cũng như việc nhóm cổ đông nước ngoài chỉ gửi yêu cầu sát đại hội, cho thấy mọi việc đã được tính toán trước.
Ngoài ra, một mặt HĐQT cũng tìm cách công bố rộng rãi sẽ đưa việc bầu bổ sung ra ĐHCĐ 2016 để thảo luận. Nhưng cũng đưa ra lý do khi trả lời phỏng vấn báo chí rằng: “Chưa đến thời điểm cần bầu bổ sung, hiện tại có đủ sức điều hành, quản trị nên chưa cần thiết bầu thêm thành viên mới”.
Một số cổ đông bức xúc cho rằng, giả sử nếu các cổ đông chấp nhận quyết định của HĐQT, không bầu thêm 2 thành viên khác vào HĐQT, thì việc Chủ tịch Lê Minh Quốc - thành viên độc lập nhưng lại là “người cùng hội” với bà Ngô Thu Thúy (ông Quốc là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Âu Lạc, bà Thúy là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Âu Lạc) cũng khó thuyết phục được các cổ đông đang nắm giữ hơn 40% cổ phiếu - nhưng bị đứng ngoài HĐQT- thuận tình về sự hợp lý và minh bạch.
Bên cạnh đó, việc HĐQT Eximbank thuê 2 cố vấn là bà Ngô Thu Thúy, ông Đặng Phước Dừa trong thời điểm chưa tìm được sự đồng thuận của các cổ đông lớn cũng là một nghi vấn khó hiểu.
Cổ đông đặt câu hỏi, vì sao HĐQT một mặt xác định đủ sức điều hành, quản trị, không cho bầu thành viên bổ sung, nhưng lại thuê thêm cố vấn? Và hai cố vấn cao cấp là bà Ngô Thu Thúy cùng ông Đặng Phước Dừa giữ vai trò như thế nào trong thời gian này?
Nhiều quyết định liên quan đến ĐHCĐ của nhà băng này đều bị chi phối bởi 3 thành viên là đại diện nhóm cổ đông nắm giữ cổ phiếu, gồm các ông Naoki Nishizawa, Yasuhiro Saitoh (Nhật Bản), Ngô Thanh Tùng và bà cố vấn Ngô Thu Thúy. Vì vậy các đề xuất của nhóm cổ đông khác, dù có nắm giữ hơn 40%, cũng không dễ thực thi.
Đại diện Eximbank, ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần 2 vào ngày 24/5/2016, và lần này chỉ cần 51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự thì đại hội sẽ được phép tiến hành.
Tuy nhiên, nếu HĐQT vẫn kiên quyết giữ quyết định của mình, và nhóm cổ đông nắm giữ 40% cổ phần không vận động được thêm các cổ đông khác đồng tình phủ quyết những quyết định của HĐQT về việc không bầu bổ sung, thì cuộc chiến này sẽ còn kéo dài sau đại hội cổ đông lần 2, và tiếp tục làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng người thiệt chính là các cổ đông của Eximbank.
Cổ đông lớn có quyền triệu tập ĐHĐCĐ
Luật Doanh nghiệp quy định, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty), có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông.