Chỉ trong vòng 24 giờ, Eximbank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên bất thành vì những lý do khác nhau.
Trong đó, sáng nay (27/4), ngân hàng triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 để bàn về các kế hoạch kinh doanh năm nay và các nội dung thuộc thẩm quyền của đại hội năm 2020.
Tuy nhiên, đến 9h30, mới có 61 cổ đông tham dự đại diện cho hơn 512 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương tỷ lệ 41,65% tổng số cổ phần. Tỷ lệ này đã không đáp ứng đủ điều kiện để tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên dẫn tới phiên họp năm 2021 của Eximbank thất bại.
Theo quy định, tỷ lệ tham dự trong các phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hàng năm (tổ chức lần đầu) phải đạt trên 65% mới có thể tiến hành.
Thực tế, đến thời điểm này, Eximbank cũng chưa tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Sáng 26/4, nhà băng này đã triệu tập phiên họp thường niên 2020 để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm trước (do 2 phiên đại hội năm 2020 không tổ chức thành công) và kiến nghị của các nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm 8/9 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank một lần nữa tổ chức bất thành. Ảnh: Quang Thắng. |
Dù phiên họp lần 3 của ngân hàng có tới 94,51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự nhưng vẫn bất thành. Nguyên nhân do ngay trong tờ trình đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua quy cuộc họp, đã có hơn 50% cổ phần có quyền biểu quyết không đồng ý thông qua.
Theo đại diện một nhóm cổ đông lớn nắm trên 10% vốn ngân hàng, lý do không thông qua quy chế tiến hành họp đại hội chính là việc một số tờ trình liên quan miễn nhiệm các thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) theo kiến nghị của các nhóm cổ đông trước đó không đúng nội dung.
Theo tài liệu gửi tới các cổ đông, nếu tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Eximbank sẽ trình kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ tại giai đoạn 2018-2020 (điều kiện được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận). Hiện nguồn lợi nhuận dùng để chia cổ tức sau khi trừ, trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi đến cuối năm 2020 của Eximbank là 2.214 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, Eximbank dự kiến tổng tài sản hợp nhất sẽ tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA EXIMBANK | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 kế hoạch | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 69 | 61 | 391 | 1017 | 827 | 1095 | 1339 | 2150 |
Trong đó, chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt 148.000 tỷ, tăng 10%; dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 108.600 tỷ, tăng 6,5% so với năm liền trước.
Với các chỉ tiêu tài chính này, Eximbank dự kiến thu về 2.150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 60% so với năm 2020.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Eximbank cũng dự trình cổ đông phê duyệt kế hoạch đầu tư dự án Trụ sở ngân hàng tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM theo hướng hợp tác cùng Mitsubishi Estate Asia. Tuy nhiên, nếu NHNN không đồng ý chủ trương này, thì Eximbank sẽ tự đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng, phần diện tích không sử dụng hết sẽ được dùng để cho thuê.
Đây là dự án đã được Eximbank thực hiện từ 10 năm trước, hiện giá trị tài sản trên sổ sách kế toán là 240 tỷ đồng.