Sau 16 tháng giữ ổn định (từ tháng 8/2013) với mức 1.508,85 đồng/kWh, giá điện muốn tăng tiếp là câu hỏi của dư luận khi Bộ Công Thương có tín hiệu “nhắc” EVN về việc điều chỉnh giá. Cụ thể, trong thông báo kết luận số 398 của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị giao ban ngày 5/12, đại diện Bộ này cho biết, người đứng đầu ngành Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực chủ trì phối hợp với Tổng cục Năng lượng và EVN nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, EVN đã tính tới việc đề xuất điều chỉnh giá bán điện bình quân lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% (tương ứng mức tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Nếu phương án được thông qua, đây sẽ là mức tăng khá mạnh và sẽ kéo theo tác động rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng giá này vẫn nằm trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 được Thủ tướng chấp thuận trước đây (với mức tối đa là 1.835 đồng/kWh).
Theo một chuyên gia, EVN có thể dựa vào hai quyết định của Thủ tướng để điều chỉnh giá điện. Cụ thể, với Quyết định 2165 ngày 11/11/2013, Thủ tướng cho phép tới năm 2015, giá điện bình quân được kịch trần 1.835 đồng/kWh, tăng 21,6% so với hiện nay. Cùng đó, với Quyết định 69 ngày 19/11/2013, Thủ tướng cũng cho phép EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi tới 7% (thay vì 5% như trước đây).
Năm 2014, EVN huy động khá nhiều thủy điện giá rẻ trong cơ cấu phát điện. Trong ảnh: Đập thủy điện Sơn La. . |
Lợi thế của EVN cũng được đích thân một phó tổng giám đốc EVN khẳng định khi trả lời PV Tiền Phong trước đây: Điện là lĩnh vực đặc thù, rất ít chuyên gia biết rõ cơ cấu giá thành. Điểm lợi thế khác, EVN có thể vin vào yếu tố phải tăng giá bán để bù đắp khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các năm trước.
Một lý do nữa được ngành điện sử dụng để đề xuất tăng giá là việc phải tăng giá truyền tải điện (trong vài năm gần đây, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - EVNPT đã nhiều lần đề nghị) để tránh cho đơn vị này tiếp tục thua lỗ cộng dồn. Theo đó, giá truyền tải điện hiện tại (ở mức 86,4 đồng/kWh) đang chỉ chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. Để đảm bảo cho EVNPT lãi, có vốn để đầu tư mức giá điện truyền tải cần nâng lên từ 10-12% như các quốc gia khác.
Muốn tăng phải chứng minh chi phí đầu vào
Ở khía cạnh khác, nếu đề xuất phương án tăng giá như trên, EVN sẽ phải đối mặt với việc chứng minh chi phí đầu vào đang gia tăng mạnh buộc ngành điện phải tăng giá (vì bất khả kháng, thay vì tự động tăng giá cho đủ ngưỡng được Chính phủ cho phép trước đó).
Việc chứng minh đầu vào của ngành điện tăng không dễ dàng khi suốt một thời gian dài qua các thông số đầu vào đang ổn định, thậm chí những yếu tố rất quan trọng trong cơ cấu giá thành điện lại giảm. Đặc biệt, giá đầu vào là nhiên liệu than và dầu DO liên tiếp giảm trong thời gian qua.
EVN cũng có thể vin cớ từ 1/1/2015, giá khí ngoài bao tiêu bán cho điện sẽ khiến giá thành điện tăng thêm từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ làm giá thành điện tăng thêm 20-46 đồng/kWh so với giá bình quân hiện hành. Một số yếu tố nữa sẽ được ngành điện tính tới là giá than bán cho điện cũng như việc tăng thuế tài nguyên nước (từ 2-4%) để kêu khó và đòi tăng giá.
Nhưng điểm khó với EVN và điều ngành điện không muốn đề cập đến nhiều (dù Tiền Phong và các báo đã nhiều lần đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành điện), đó chính là mức lãi hằng năm của EVN. Theo thông tin riêng, từ năm 2012 đến nay, EVN liên tục có lãi với mức lợi nhuận khá lớn. Cụ thể năm 2012, EVN lãi trên 4.400 tỷ đồng.
Năm 2013, lãnh đạo EVN khi trao đổi với báo chí cũng chỉ thông báo có lãi mà không nêu con số cụ thể. Trong báo cáo giám sát tóm tắt gửi Bộ Công Thương (công bố khoảng tháng 6/2014), tập đoàn này năm 2013 đã có mức lợi nhuận hợp nhất lên tới 9.197 tỷ đồng. EVN đạt lợi nhuận sau thuế là 8.239 tỷ đồng. Ngay cả sau khi bù lỗ các khoản lỗ lũy kế, lợi nhuận của toàn tập đoàn vẫn còn tới 547 tỷ đồng.
Một nguồn thu không nhỏ khác, lên tới vài trăm tỷ đồng của EVN từ đầu năm đến nay là tiền thu được từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
“Điểm rất quan trọng trong việc điều chỉnh giá điện, mà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy EVN thực hiện là đánh giá và công bố mức giá thành sản xuất điện của năm 2014. Nếu EVN vẫn tiếp tục đưa ra phương án kiến nghị điều chỉnh giá điện mà không thực hiện quy định trên sẽ trái luật”.
Một đại diện Bộ Công Thương.