Theo đó, trong một văn bản gửi báo chí do Phó tổng giám đốc EVN Phạm Tấn Lộc ký ngày 3/10, EVN cho hay, hiện tập đoàn này đang có 5 tổng công ty điện lực, bao gồm: Điện lực Miền Bắc, Điện lực Miền Trung, Điện lực Miền Nam, Điện lực Hà Nội và Điện lực TP.HCM. Tổng số cán bộ của 5 tổng công ty là 67.000 người.
Thông tin EVN có đến 67.000 đi thu tiền điện được báo chí trích dẫn từ phát biểu của Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh tại cuộc làm việc với Thủ tướng hôm 2/10. |
Số người trên làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng… Toàn bộ số nhân viên trên hiện đang hàng ngày đảm bảo công tác cung cấp điện, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp phân phối, xử lý sự cố. Do đó, EVN khẳng định, “công tác thu tiền điện chỉ là một phần nhỏ trong công việc của 67.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên tại các tổng công ty điện lực”.
Cho dù không cho biết cụ thể số lượng nhân viên chỉ “đi thu tiền điện” của EVN hiện nay là bao nhiêu, song EVN cho rằng “thông tin tập đoàn này có 67.000 người đi thu tiền điện là không chính xác”.
Như vậy, cũng có thể hiểu rằng, EVN đã bác bỏ thông tin được phát đi từ chính Tổng giám đốc của tập đoàn này, bởi con số “67.000 người đi thu tiền điện của EVN” được báo chí dẫn lời của ông Phạm Lê Thanh khi ông này báo cáo lên Thủ tướng trong một cuộc họp hôm 2/10.
Trước đó, vào năm 2011, cũng chính ông Thanh đã gây sự chú ý của dư luận, khi trả lời câu hỏi về mức lương bình quân của nhân viên EVN, với câu nói rằng ông “rất đau lòng vì mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên EVN chỉ có 7,3 triệu đồng/tháng”.