Thu về hàng trăm tỷ đồng
EVN cho biết, tính đến tháng 9/2014, đơn vị này đã thực hiện thoái vốn thành công lần 1 tại công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho công ty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% vốn điều lệ xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng. EVN cũng hoàn thành thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng cổ phần An Bình, chuyển nhượng cho công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) 25,2 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24,3% xuống còn 16,02%, thu về 252 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN cũng hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam và thu về 5 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ban quản lý vốn đầu tư (EVN), trong năm 2013 và 9 tháng năm 2014, EVN đã tiến hành thoái vốn, giảm vốn thành công tại nhiều lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bất động sản... Theo báo cáo mới nhất về tình hình đầu tư, sản xuất - kinh doanh của EVN, 9 tháng năm 2014, EVN và các đơn vị thành viên đã tiến hành thoái, giảm vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 373 tỷ đồng.
EVN thu về hàng trăm tỷ đồng từ việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. |
Tính riêng năm 2013, giữa lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của EVN vẫn đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Tổng số vốn mà EVN và các đơn vị thành viên thu về từ lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đã lên tới hơn 900 tỷ đồng, bổ sung cho xây dựng các công trình điện.
Theo lãnh đạo EVN, những kết quả về thoái vốn ngoài ngành thời gian qua thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của toàn Tập đoàn. Hầu hết các danh mục thoái vốn ở doanh nghiệp bất động sản, hay tổ chức tài chính đều được thực hiện đúng theo phê duyệt của Bộ Công thương bằng hình thức đấu giá công khai, giá trị cổ phiếu đều bằng hoặc cao hơn mệnh giá.
Sẽ cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện
Ngoài nhiệm vụ thoái vốn ngoài ngành, để phát triển bền vững, EVN đang chú trọng đẩy mạnh cổ phần hóa. Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, hiện EVN đang từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Đặc biệt, đã thành lập 3 tổng công ty phát điện và đang chuẩn bị tiến hành cổ phần hóa.
Theo ông Thanh, để hướng tới thị trường phát điện cạnh tranh, nhiệm vụ quan trọng là phải cổ phần hóa. Theo đó, EVN sẽ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có đủ điều kiện (trong đó tập trung vào 3 tổng công ty phát điện - Genco). Trong 3 tổng công ty phát điện, công ty phát điện nào có đủ những điều kiện cổ phần hóa, sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cổ phần hóa công ty đó, trừ các công ty thủy điện đa mục tiêu.
Tuy nhiên, việc cổ phần hoá trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước hết, các công ty phát điện được phân bổ khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó các công ty thủy điện đều ở vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc quản lý điều hành. Việc đánh giá chính xác tài sản doanh nghiệp là vấn đề khó khăn, phức tạp.
Hầu hết các nhà máy đều có số vốn đầu tư rất lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trừ một số nhà máy đã vận hành nhiều năm trước đây, đã được khấu hao hằng năm, nay cần được xác định giá trị còn lại một cách sát thực. Đặc biệt, việc cổ phần hóa phải xác định được mệnh giá của cổ phần và tìm được các nhà đầu tư chiến lược có đủ điều kiện để mua số lượng cổ phần lớn cũng là việc không hề dễ dàng. “Dù còn khó khăn, nhưng EVN sẽ nỗ lực để việc cổ phần hoá thành công, mang lại sự phát triển bền vững cho tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên”, một lãnh đạo EVN khẳng định.