Mới đây, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến việc đề nghị cơ quan này cho phép công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình thi công trở lại.
Về vấn đề liên quan đến việc sạt trượt, doanh nghiệp này cho biết sau khi xảy ra sạt trượt khu vực hố móng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 giai đoạn một đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công Thương thẩm định, thông qua.
"Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân tượng đài Bác Hồ. Hiện, hố móng của công trình, phạm vi tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu xung quanh ổn định, không có sự chuyển dịch bất thường", doanh nghiệp khẳng định.
Sau khi đã thu thập đầy đủ các tài liệu và rà soát lại các tính toán trước đây, tư vấn thiết kế cũng khẳng định hồ sơ thiết kế xây dựng công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành lâu dài, không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu như Đập thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ...
Địa chất công trình sau khi thi công đào hố móng cơ bản phù hợp với điều kiện địa chất mô tả trong hồ sơ thiết kế ở giai đoạn thiết kế.
Toàn cảnh nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: VGP. |
Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản thống nhất nội dung báo cáo và cho phép thi công trở lại công trình. Đồng thời, 14 thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tổng thể dự án cũng đều đồng ý cho công trình thi công trở lại.
"Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia trong những năm sau 2025, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong tình hình thay đổi cơ cấu nguồn điện hiện nay", EVN cho biết.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án đã phải dừng thi công hơn 8 tháng, gây khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và căn cứ báo cáo đánh giá tổng thể dự án, EVN khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận cho phép thi công trở lại công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Số còn lại vay từ ngân hàng thương mại trong nước.