Sau khi đạt được đồng thuận việc cắt giảm dần nhập khẩu than từ Nga, tuần này, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động tiến trình đàm phán một mục tiêu tham vọng hơn, đó là chấm dứt lệ thuộc vào dầu thô của Nga, theo Wall Street Journal.
Đã có những dấu hiệu cho thấy các quan chức EU muốn biến vấn đề dầu mỏ thành trọng tâm các gói trừng phạt kinh tế tiếp theo nhắm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy vậy, ít khả năng EU có thể sớm đạt được nhất trí.
Đức, đầu tàu của nền kinh tế châu Âu, tiếp tục phản đối ý tưởng cấm vận dầu mỏ Nga.
Brussels cũng ngần ngại khi phải đẩy mạnh thảo luận chủ đề gai góc như cấm vận dầu mỏ trong bối cảnh bầu cử tổng thống Pháp đang diễn ra giằng co.
Đồng thời, Hungary tiếp tục là một trở lực cho nỗ lực đoàn kết châu Âu, khi chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Viktor Orban với lập trường thân Nga vừa tái đắc cử.
Nhiều rào cản
Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv hôm 8/4, quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết sẽ đưa cấm vận dầu mỏ Nga vào chương trình nghị sự khi ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại Luxembourg tuần này.
Tuy vậy, mọi quyết định về cấm vận dầu mỏ của Nga đều sẽ gặp rào cản chính trị. Bởi các nước thành viên chia rẽ sâu sắc, giới chức EU cho biết sẽ không thể có một quyết định cụ thể trong tuần này. Thậm chí một bản đề xuất để các nước tiếp tục thảo luận cũng còn lâu mới được lưu hành.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, đang đi đầu phản đối cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga, đối lập với các nước thành viên Đông Âu như Ba Lan, hay ba nước Baltic.
Các lãnh đạo EU gặp mặt Tổng thống Zelensky ở thủ đô Kyiv. Ảnh: AFP. |
Các quan chức EU đang xem xét một số ý tưởng, bao gồm cấm vận dầu mỏ Nga theo từng giai đoạn, khởi đầu bằng việc áp thuế lên dầu mỏ xuất khẩu của Nga để giảm dần nhu cầu nội khối.
Một ý tưởng khác là buộc một số khoản thanh toán cho dầu mỏ, khí đốt của Nga chuyển vào những tài khoản ký quỹ, khiến phía Nga chỉ có thể sử dụng cho một số mục đích nhất định.
EU vốn đã công bố kế hoạch giảm dần, tiến tới chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Áp lực lên sau đó tăng lên sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga phải chịu trách nhiệm cho tình hình ở Bucha.
Hôm 8/4, EU thông qua gói trừng phạt kinh tế thứ 5 nhắm vào Nga kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine. Theo đó, EU sẽ chấm dứt nhập khẩu than của Nga từ tháng 8.
Tuy nhiên, dầu thô và khí đốt của Nga vẫn nằm ngoài giới hạn các lệnh trừng phạt. Đây tiếp tục là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giúp mang lại nguồn thu ngoại tệ chính cho Moscow.
Theo ông Ben McWilliams, chuyên gia tổ chức tư vấn chính sách Bruegel, EU nhập khẩu khoảng 870 triệu USD nhiên liệu hóa thạch của Nga mỗi ngày, trong đó 435 triệu USD khí đốt, 414 triệu USD dầu mỏ.
Tháng 11/2021, EU mua 2,7 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga cùng 1,1 triệu thùng các chế phẩm khác từ dầu.
Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, cung cấp khoảng 25% lượng dầu mỏ nhập khẩu của EU trong nửa đầu năm 2021. Thị trường EU chiếm 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.
Chia rẽ nội bộ
Nhiều nước EU, trong đó có Đức và Italy, lệ thuộc nặng vào nhiên liệu của Nga. Đây là lý do Berlin và Rome ngăn cản quyết liệt các lệnh trừng phạt vào dầu mỏ và khí đốt của Moscow.
Bởi có nhiều chính sách đan xen, các nước EU sẽ không thể dễ dàng đạt được đồng thuận về lệnh trừng phạt với dầu mỏ của Nga, Mujtaba Rahman, giám đốc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông nhận định động lực để EU có hành động với dầu thô nhập khẩu từ Nga đang ngày một lớn.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt do dự trước rủi ro của nền công nghiệp nước này nếu cấm vận dầu mỏ, khí đốt của Nga. Lập trường của Berlin hứng chịu chỉ trích ngày càng gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Đức cũng đưa ra lộ trình dừng nhập khẩu than của Nga chậm hơn mong muốn của các nước châu Âu khác. Berlin cho biết chỉ có thể giảm 50% lượng dầu nhập khẩu của Nga trong mùa hè này. Việc chấm dứt nhập khẩu dầu thô từ Nga sẽ phải chờ đến cuối năm.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 8/4. Ảnh: AP. |
Pháp, Chủ tịch EU năm 2022, đang trải qua cuộc bầu cử tổng thống quyết liệt. Vòng bầu cử đầu tiên đã diễn ra hôm 10/4, hai ứng viên sẽ lọt vào vòng hai là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron cùng chính trị gia cực hữu đối lập Marine Le Pen.
Vòng hai cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 24/4. Cho tới sau khi có kết quả, mọi kế hoạch trừng phạt chi tiết nhắm vào Nga sẽ khó được thông qua.
Tổng thống Macron đã thể hiện sự ủng hộ với ý tưởng cấm vận dầu mỏ Nga. Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Bruno Lemaire cho biết sẽ cần nhiều thời gian mới có thể đạt được đồng thuận trong nội bộ EU.
Tại Hungary, Thủ tướng vừa tái đắc cử Viktor Orban nhiều lần tuyên bố phản đối mọi kế hoạch làm suy yếu an ninh năng lượng của Budapest. Một quan chức EU cho biết sự chống đối của Hungary càng quyết liệt hơn sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Trong khi đó, Áo cũng tỏ ra miễn cưỡng trước sức ép áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với nhiên liệu nhập khẩu từ Nga.
Giới ngoại giao cho rằng một số nước Nam Âu cũng không quá nhiệt tình với kế hoạch cấm vận dầu mỏ, khí đốt của Nga. Tuy vậy, các nước này đã bắn tín hiệu sẽ không phản đối lệnh trừng phạt nếu khối đạt được đồng thuận.
Việc một số nước phản đối cấm vận nhiên liệu Nga bởi các chính phủ lo sợ sự phẫn nộ của người dân một khi giá năng lượng leo thang. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá nhiên liệu và điện ở châu Âu đã tăng hàng chục %.
Ngược lại, Ba Lan và các nước Baltic đi đầu trong nỗ lực kêu gọi siết chặt trừng phạt Nga. Tuần trước, Lithuania tuyên bố sẽ chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga dù từng có thời lệ thuộc nặng nề vào nhiên liệu của Moscow.
EU đã cam kết mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo, tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ Trung Đông, châu Á và châu Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ cũng hứa gia tăng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu để đáp ứng nhu cầu của các đồng minh. Mục tiêu của Washington là cung cấp 50 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng mỗi năm cho châu Âu, tương đương một phần ba lượng khí đốt EU mua của Nga.