Chính sách thuế mới giáng đòn nặng nề lên nhà sản xuất xe Trung Quốc. Ảnh: Stellantis. |
Theo Bloomberg, ngày 4/10, 10 quốc gia thành viên EU đã ủng hộ thuế suất 45% đối với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Đức và 4 nước khác phản đối và 12 nước bỏ phiếu trắng. Như vậy, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, có thể áp dụng các mức thuế này trong 5 năm.
Cuộc bỏ phiếu được thực hiện sau khi một cuộc điều tra kết luận rằng Trung Quốc đã trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp xe điện nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc và đe dọa áp thuế trả đũa đối với các sản phẩm châu Âu như sữa, rượu brandy, thịt heo và ôtô.
EU và Trung Quốc có 4 tuần đàm phán
Chính sách thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 31/10, trừ khi Trung Quốc tìm ra giải pháp để chấm dứt xung đột. Cụ thể, mức thuế mới áp dụng cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lần lượt là 17% đối với BYD, 18,8% cho Geely và 35,3% với SAIC.
Geely sở hữu các thương hiệu như Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC là chủ sở hữu của MG, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất tại châu Âu.
Các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc, bao gồm các công ty phương Tây như Volkswagen và BMW, sẽ phải chịu mức thuế 20,7%. Còn với Tesla, EC quyết định áp mức thuế riêng ở mức 7,8%.
Động thái tăng thuế nhằm bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước xe điện giá rẻ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Các mức thuế mới này sẽ được cộng thêm vào mức thuế hiện hành là 10%. Điều này đồng nghĩa một số nhà sản xuất ôtô Trung Quốc sẽ sớm phải đối diện với tổng mức thuế trên 45%.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp bảo hộ không công bằng, vi phạm quy tắc và vô lý của EU trong vụ việc này, đồng thời kiên quyết phản đối việc EU áp đặt thuế chống trợ cấp lên xe điện của Trung Quốc," phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
Chính sách thuế mới là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của EU. Năm ngoái, EU đã giao thương với Trung Quốc tổng cộng 739 tỷ euro (815 tỷ USD).
Song, EU và chính phủ Trung Quốc vẫn còn 4 tuần để đàm phán nhằm tìm ra giải pháp hòa giải trước thời hạn cuối tháng 10. Hai bên đang xem xét đi đến thỏa thuận chung về cơ chế kiểm soát giá và số lượng xuất khẩu, thay vì áp thuế.
"EU và Trung Quốc đang nỗ lực để tìm ra một giải pháp thay thế phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể giải quyết được các khoản trợ cấp bất hợp pháp đã được điều tra, và có thể giám sát và thực thi", EC cho biết.
Chính sách mới có thể phản tác dụng?
Ngành công nghiệp ôtô châu Âu đang chao đảo trước nhu cầu suy giảm và sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới - Trung Quốc, nơi các thương hiệu nội địa chiếm lĩnh phân khúc xe điện. Volkswagen AG đang gây lo ngại ở Đức khi lần đầu tiên xem xét đóng cửa các nhà máy để cắt giảm chi phí.
Nhưng giờ đây, cổ phiếu các hãng xe châu Âu như Stellantis NV, Mercedes-Benz Group AG và BMW AG đã tăng trở lại sau cuộc bỏ phiếu của EU.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ phải cân nhắc giữa việc chấp nhận mức thuế mới hoặc tăng giá, trong bối cảnh nhu cầu tại thị trường nội địa sụt giảm và biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Viễn cảnh bị áp thuế đã khiến một số hãng xe Trung Quốc xem xét đầu tư vào các nhà máy tại châu Âu để tránh thuế.
Thị phần của các nhà sản xuất ôtô điện Trung Quốc tại châu Âu sụt giảm trong 2 tháng liên tiếp. Nguồn: Bloomberg. |
Các mức thuế bổ sung đã làm giảm doanh số của các hãng ôtô Trung Quốc tại châu Âu, với doanh số tháng 8 giảm 48%, chạm mức thấp nhất trong 18 tháng.
Châu Âu là thị trường hấp dẫn do xe điện bán chạy và giá cao hơn so với các thị trường khác. Thị phần xe điện sản xuất tại Trung Quốc bán ở EU đã tăng từ 3% lên hơn 20% trong 3 năm qua, với các thương hiệu Trung Quốc chiếm 8%, còn lại là các công ty quốc tế xuất khẩu từ Trung Quốc như Tesla.
Tuy nhiên, nhà phân tích Kevin Lau của Daiwa Securities nhận định việc tăng thuế của châu Âu sẽ chỉ có tác động nhỏ đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, vì khu vực này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán hàng. Ông ước tính châu Âu đóng góp chỉ 1-3% tổng doanh số của BYD, Geely và SAIC Motor trong 4 tháng đầu năm nay.
Phát ngôn viên của Volkswagen cho biết trong một tuyên bố hôm 4/10 rằng thuế quan là "biện pháp sai lầm" và sẽ không cải thiện khả năng cạnh tranh của châu Âu. "Mục tiêu chung phải là ngăn chặn bất kỳ khoản thuế trả đũa và ngăn xung đột thương mại".
Số lượng lớn phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của EU đã phản ánh sự lo ngại tại nhiều quốc gia thành viên về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dù các quốc gia chủ chốt như Pháp đã khẳng định khối cần phải bảo vệ mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp của mình.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, đã cảnh báo trước đó rằng việc áp đặt thuế có thể dẫn đến một cuộc chiến thuế quan.
"Đây là tín hiệu đúng đắn từ chính phủ Đức khi bỏ phiếu chống trong quyết định của EU hôm nay nhằm ủng hộ lợi ích chung của ngành ôtô châu Âu, Đức và người lao động", Hildegard Müller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Đức chia sẻ.
Các nhà sản xuất ôtô Đức, bao gồm Volkswagen, Mercedes và BMW, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu xảy ra xung đột thương mại, khi Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 doanh số bán ôtô của các hãng này vào năm 2023.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.