Australia, Anh, Canada và Mỹ đã áp lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mua dầu của Nga, trong khi G7 cam kết cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Moscow vào ngày 8/5, theo Reuters.
Liên minh châu Âu ngày 30/5 cũng đồng ý cấm nhập khẩu dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng đường ống. Qua đó, các nhà máy lọc dầu ở Đông Âu và Đức có thể tiếp tục nhập khẩu dầu qua đường ống Druzhba.
Tuy nhiên, Ba Lan và Đức cho biết họ sẽ loại bỏ việc mua dầu thông qua đường ống này vào cuối năm 2022.
Ngay cả trước khi lệnh cấm được thông qua, ít nhất 26 nhà máy lọc dầu và công ty thương mại lớn của châu Âu đã tự nguyện đình chỉ việc mua dầu giao ngay hoặc công bố kế hoạch loại bỏ tổng cộng 2,1 triệu thùng/ngày nhập khẩu của Nga, theo JP Morgan.
Nhiều khách hàng ở châu Âu đã dừng việc nhập khẩu dầu Nga. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn đang tiếp tục nhập khẩu và hưởng lợi từ việc giảm giá dầu thô của Nga.
Hiện tại, nhiều nhà máy lọc dầu của Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga, bao gồm Bharat Petroleum, Hindustan Petroleum, Indian Oil Corps, Mangalore...
Công ty năng lượng nhà nước Indonesia PT Pertamina cũng cân nhắc mua dầu thô từ Nga, trong khi Sinopec của Trung Quốc đang tiếp tục mua dầu thô của Nga theo các hợp đồng dài hạn đã ký trước đó.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng tại châu Âu cũng vẫn tiếp tục mua dầu từ Nga, trong đó có Isab - nhà máy lọc dầu lớn nhất Italy, Leuna ở miền Đông nước Đức, Miro (Đức), Mol (Hungary)...
Tuy nhiên, nhiều nhà máy lọc dầu, công ty năng lượng,... đã dừng việc nhập khẩu dầu từ Nga, chủ yếu là các doanh nghiệp ở châu Âu.
Các khách hàng đã dừng nhập khẩu dầu Nga bao gồm BP (Anh), Enos (Nhật Bản), Eni (Italy), Varo Energy (Thụy Sĩ),...Shell - nhà kinh doanh xăng dầu lớn nhất thế giới đã ngừng mua các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga, bao gồm cả nhiên liệu pha trộn.
Công ty năng lượng Orsted của Đan Mạch ngày 31/5 cho biết tập đoàn Gazprom của Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt tới Đan Mạch vì công ty này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Trước đó, từ ngày 31/5, Gazprom cũng đã ngừng cung cấp khí đốt cho công ty năng lượng GasTerra của Hà Lan ngày 31/5 sau khi hãng này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.