Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EU đóng cửa biên giới ảnh hưởng Việt Nam thế nào?

Bộ Công Thương cho rằng EU đóng cửa biên giới trong 30 ngày sẽ làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa, đồng thời, gây gián đoạn dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ của Việt Nam.

Tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch.

Bộ Công Thương cho rằng trước mắt, động thái trên có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Bởi lẽ, quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.

EU dong cua bien gioi anh huong toi Viet Nam nhu the nao? anh 1

Một trạm kiểm tra thân nhiệt tại Messina, Italy. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, xét trên một số khía cạnh kinh tế, Bộ Công Thương nhận định các biện pháp kiểm soát dịch trên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế.

“Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,… (đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU) khả năng sẽ suy giảm. Tuy nhiên, dự báo sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn có thể được duy trì”, Bộ Công Thương cho biết.

EU dong cua bien gioi anh huong toi Viet Nam nhu the nao? anh 2

Việt Nam xuất khẩu 5,89 tỷ USD hàng hóa sang EU sau 2 tháng đầu năm. Đồ họa: Văn Hưng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng hóa nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.

Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch cũng có thể sẽ gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU; cản trở các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư 2 bên; cản trở việc di chuyển của các chuyên gia và lao động trong những lĩnh vực bị hạn chế trong bối cảnh siết chặt cách ly để chống dịch.

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU qua đường biển đạt 20,5 tỷ Euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ Euro, đường sắt đạt 671 triệu Euro; trong khi nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,99 tỷ Euro, 3,56 tỷ Euro và 9 triệu Euro.

Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu quý I và II của Việt Nam sang EU có thể giảm từ 6% đến 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2020 có thể khả quan hơn nếu bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA đi vào hiệu lực.

Xuất khẩu vào Mỹ vượt 10 tỷ USD

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 39,08 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã vượt 10 tỷ USD, chiếm 26,3%.

Ôtô nhập khẩu tăng 240%, xe chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia

Trong 10.261 ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào tháng 2, lượng xe nhập từ Thái Lan và Indonesia chiếm 94%.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm