Nữ quay phim Petra Laszlo của kênh truyền hình Hungary N1TV ngáng chân một người tị nạn bế con nhỏ khi ông chạy trốn cảnh sát ở khu vực biên giới gần Serbia. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, ông Juncker kêu gọi châu Âu đồng ý với kế hoạch này ngay trong cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU ngày 14/9. “Châu Âu phải hành động dũng cảm và cương quyết”, ông Juncker nhấn mạnh.
Theo kế hoạch của ông Juncker, Đức sẽ tiếp nhận 31.000 người, Pháp 24.000 người, Tây Ban Nha 15.000 người... Thủ tướng Anh David Cameron cam kết nước này sẽ đón nhận 24.000 người trong hai năm tới.
Trước sức ép dư luận, mới đây Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng cho biết nước này sẽ đón 12.000 người tị nạn Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU thiết lập một hệ thống chia sẻ linh hoạt, không áp “hạn ngạch” cố định với từng nước.
Tuy nhiên, các quốc gia khu vực Đông Âu vẫn phản đối khá quyết liệt. Thủ tướng Slovakia Robert Fico bày tỏ lo ngại khủng bố sẽ trà trộn vào dòng người tị nạn và cho rằng “95% người tị nạn” không chạy trốn chiến tranh, mà đơn giản là đi tìm cuộc sống mới nhiều cơ hội hơn.
Chính quyền Hungary quyết sẽ tăng tốc việc xây hàng rào ngăn người tị nạn dọc biên giới phía nam dài 175 km. Nước này cũng quyết định truy tố hình sự hành vi vượt biên trái phép.
Nhưng ông Vincent Cochetel, giám đốc châu Âu của UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn), cảnh báo các quy định mới ngặt nghèo của Hungary có thể khiến châu Âu rơi vào hỗn loạn.
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo hệ thống Schengen sẽ bị đe dọa nếu các nước Đông Âu từ chối chia sẻ gánh nặng người tị nạn.
Cũng trong ngày 9/9, UNHCR ước tính ít nhất 850.000 người tị nạn sẽ vượt Địa Trung Hải vào châu Âu năm nay và năm 2016.