Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EU công bố biện pháp chống 'tác động tiêu cực' từ Trung Quốc

Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách cường quốc kinh tế là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) công bố chính sách thương mại mới.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/2 công bố chính sách ngoại thương mới, cảnh báo về các biện pháp mà họ có quyền thực hiện chống lại Trung Quốc. Điều này nhằm loại bỏ những "tác động tiêu cực" từ cách tiếp cận của Bắc Kinh trong thương mại và đầu tư, theo South China Morning Post.

EU tuyên bố "quyền tự chủ chiến lược mở" là cách đối phó với những thách thức bao gồm biến đổi khí hậu, "sự phụ thuộc nhiều hơn vào chủ nghĩa đơn phương", và hệ lụy kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra, theo South China Morning Post.

EU cũng xem việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn ở châu Á và Mỹ Latin là những ưu tiên, theo tài liệu.

EU canh bao bien phap chong tac dong tieu cuc tu Trung Quoc anh 1

Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/2 công bố chính sách ngoại thương mới. Ảnh: Reuters.

Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách cường quốc kinh tế là nguyên nhân thứ hai, trong số năm nguyên nhân, thúc đẩy EU công bố chính sách thương mại mới. Nguyên nhân hàng đầu là vì toàn cầu hóa.

Chính sách mới được quảng bá là "cởi mở, bền vững và quyết đoán".

Động thái diễn ra giữa lúc EU đang tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán cấp cao với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Việc tìm ra cách tiếp cận chung về Trung Quốc là điểm nổi bật trong chương trình nghị sự của các cuộc trao đổi này.

"Đảm bảo Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ lớn hơn trong thương mại quốc tế, và cùng lúc giải quyết tác động tiêu cực mà hệ thống kinh tế tư bản nhà nước của họ gây ra, sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại song phương", EU nói trong báo cáo đánh giá chính sách thương mại mới.

Các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất Hiệp định Đầu tư Toàn diện giữa EU với Trung Quốc "là một phần trong những nỗ lực này".

Thỏa thuận vốn đang bị chỉ trích vì không nhắc đến vấn đề quyền của người lao động, dù đây có thể là nguyên nhân khiến thỏa thuận khó qua được cửa Nghị viện châu Âu.

EU nói quan hệ thương mại với Washington là "quan hệ đối tác lớn nhất và quan trọng nhất về kinh tế trên thế giới", ngay cả khi dữ liệu của EU cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối vào năm ngoái.

Kim ngạch thương mại hàng hóa của Trung Quốc với EU, không bao gồm Anh, đạt 586 tỷ euro (710 tỷ USD) vào năm 2020, theo dữ liệu do cơ quan thống kê EU Eurostat công bố trong tháng này.

Cả xuất khẩu và nhập khẩu của EU với Trung Quốc đều tăng trong năm ngoái, lần lượt là 202,5 tỷ euro và 383,5 tỷ euro. Kim ngạch giữa Mỹ với EU năm 2020 là 555 tỷ euro, giảm 10% so với năm 2019.

Anh rời khỏi thị trường chung EU, quá trình Brexit đau đớn đã kết thúc

23h ngày 31/12/2020 (giờ địa phương), Anh hoàn toàn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng hậu Brexit - thời gian Anh vẫn theo quy định EU - kết thúc.

Ông Biden sẽ không rút lại mức thuế đánh lên hàng Trung Quốc

Chính quyền ông Joe Biden muốn chấm dứt thương chiến với Trung Quốc, nhưng sẽ không rút lại các biện pháp thuế quan, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu (EU).

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm