Hội đồng Liên minh châu Âu - cơ quan đại diện cho các nước thành viên EU - đã chính thức thông qua đạo luật thực thi kế hoạch nói trên, Cộng hòa Czech, nước đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên EU, thông báo ngày 5/8, theo AFP.
“Nội dung đạo luật sẽ được đăng tải trong tạp chí chính thức vào đầu tuần sau và sẽ có hiệu lực một ngày sau khi đăng”, chủ tịch luân phiên EU cho biết. Một quy định pháp lý của EU chỉ có hiệu lực ràng buộc khi được đăng tải trong tạp chí chính thức.
Trước khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga cung cấp 40% khí đốt của EU. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, các nước thành viên EU đã đạt thỏa thuận giảm sử dụng khí đốt để cố nạp đầy kho dự trữ và đề phòng khả năng Nga ngừng cung cấp hoàn toàn.
Thỏa thuận này đề nghị toàn bộ nước EU tự nguyện cắt giảm 15% khí đốt vào mùa đông tới. Quy định trong thỏa thuận cũng có thể có hiệu lực bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp nguồn cung. Dù vậy, thỏa thuận vẫn có nhiều điều khoản cho phép một số nước và ngành công nghiệp rút lui.
Ngoại trừ Hungary và Ba Lan, các nước EU còn lại đều nhất trí thông qua đạo luật trên, Reuters đưa tin dựa trên văn bản do Cộng hòa Czech đăng tải.
Nói với AFP, một nguồn tin ngoại giao cho biết kế hoạch sẽ được đăng tải vào ngày thứ hai tuần sau và sẽ có hiệu lực từ ngày thứ ba.
Trước khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga cung cấp 40% khí đốt của EU.
Từ đó đến nay, Nga đã giảm lượng khí đốt tới châu Âu, từ đó khiến các nước EU gặp khó khăn khi muốn nạp đầy kho dự trữ trước mùa đông. Nhiều nước phải chạy đua mua nhiên liệu từ các nguồn khác ngoài Nga, đồng thời phải hạn chế nhu cầu khí đốt.
Ủy ban châu Âu cũng đang “cấp thiết đánh giá” khả năng áp mức giá trần với khí đốt Nga, cơ quan này nói trong một tuyên bố nhưng không làm rõ hình thái của mức giá trần này sẽ ra sao.