Trong khi Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, các lãnh đạo EU đã họp hôm 20/3. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với sự hoài nghi về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng đối với Moscow.
Trước đó, các ngoại trưởng của EU đã thông qua quyết định cấm thị thực và đóng băng tài khoản của 21 quan chức Nga và Crimea. Nhưng đó chỉ là một phản ứng không đáng kể. Các quan chức Nga đã giễu cợt về hành động trừng phạt thiếu hiệu quả và hoàn toàn vô nghĩa.
Ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ra khỏi xe hơi để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của EU tại thành phố Brussels hôm 20/3. Ảnh: Reuters |
Ngày 20/3, trong tiệc tối tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo EU thảo luận về các biện pháp tiếp theo. Họ có thể bổ sung vào danh sách cấm thị thực và phong tỏa tài khoản một vài nhân vật chính khách và quân đội thân cận với Putin. Nhưng dù vậy, biện pháp trừng phạt vẫn chưa thấm vào đâu so với trừng phạt nặng về tài chính, thương mại nhằm ép Putin nghĩ lại và ngừng can dự vào Ukraina.
“Để giữ vững lòng tin của mọi người, chúng ta phải thực hiện những điều chúng ta đã hứa”, một nhà ngoại giao EU phát biểu ngày 19/3.
Ngày 6/3, EU tuyên bố họ đang cân nhắc lệnh trừng phạt kinh tế nếu “Liên bang Nga tiến xa hơn trong việc gây bất ổn tại Ukraina”. Ở thời điểm ấy, EU chưa thể xác định Putin là người điều lực lượng quân đội tới Crimea hay không, cũng như ý định của Tổng thống Nga. Ngày 16/3, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã diễn ra, với 97% cử tri đồng thuận bán đảo Crimea ly khai Ukraina. Tổng thống Nga Putin chính thức sáp nhập Crimea cùng 2 triệu dân vào Nga.
Binh sĩ Ukraina, với tư trang trên tay, rời căn cứ không quân Belbek, bên ngoài Sevastopol, Crimea hôm 20/3. Ảnh: AP |
Trước những sự kiện ấy, EU vẫn chưa muốn chuyển sang giai đoạn tiếp theo của lệnh trừng phạt. Trong hàng loạt phát ngôn của các nước thành viên EU ngày 19/3, một thông điệp nổi lên là thời điểm chín muồi cho giai đoạn thứ ba - trừng phạt kinh tế - chưa tới. Phần lớn các thành viên EU đang trì hoãn và chỉ định thực hiện giai đoạn ba nếu quân đội Nga tiến vào lãnh thổ phía đông Ukraina.
“Chúng tôi hiện không có ý định, cũng không thống nhất về việc chuyển sang giai đoạn ba ở thời điểm này”, một quan chức châu Âu tham gia hoạt động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tiết lộ. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo sẽ tranh luận về thời điểm EU quyết định trừng phạt kinh tế, về những biện pháp cụ thể, và cách để giảm bớt hành động trả đũa mà Moscow đã công bố.
“Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp ở giữa giai đoạn hai và giai đoạn ba. Đó phải là giải pháp hiệu quả, ý nghĩa và được người dân châu Âu bình thường chấp nhận”, một nhà ngoại giao người Pháp cho biết.
Giới quan sát có thể hiểu rằng châu Âu sẽ yên lặng chấp nhận sự sáp nhập Crimea vào Nga.
“Dù chúng ta chưa bao giờ thừa nhận cộng hòa Crimea, tôi cho rằng Nga đã nuốt gọn Crimea. Chúng ta phải chấp nhận lối suy nghĩ của Nga không giống chúng ta. Họ có những quan niệm giá trị khác”, một nhà ngoại giao cấp cao thuộc nước thành viên EU phát biểu. Khi quan chức EU chưa muốn ban bố các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn, họ hướng về tương lai lâu dài.
Kế hoạch thận trọng của EU
Vấn đề EU đang phải đối mặt là gìn giữ tính thống nhất của liên minh. Trong khi động thái lớn của Nga hoặc Mỹ dựa trên chỉ thị của một nhân vật, liên minh châu Âu chỉ có thể hành động với sự đồng thuận của 28 vị thủ tướng và tổng thống. Đức, Anh, Pháp, Ba Lan và một hoặc hai nước khác có thể nhất trí áp dụng biện pháp mạnh hơn đối với Nga, tức là bao gồm khả năng trừng phạt kinh tế và thương mại. Các nước còn lại nghiêng về hướng quan sát tình hình hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp ngày 19/3. Ảnh: Reuters |
EU cần thời gian để xác định những mục tiêu phù hợp cho trừng phạt kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, mạng lưới pháp luật phải đủ chặt chẽ để thực thi những biện pháp trừng phạt. EU sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ tình hình, dù chưa đưa ra quyết định.
“Chúng ta cần siết áp lực dần dần, từng bước một. Bạn không thể phong tỏa tài khoản ngân hàng của ai đó mà không có chứng cớ”, một nhà ngoại giao thuộc EU phân tích.
Các nước thành viên EU cũng cần nhất trí về phương thức chia sẻ ảnh hưởng từ biện pháp trả đũa của Nga. Những nước có quan hệ giao thương chặt chẽ với Moscow và phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga sẽ chịu tác động lớn hơn.
“Điều ta có thể chắc chắn vào lúc này là các mối quan hệ với Nga sẽ trở nên lạnh nhạt trong vài năm tới. Vì vậy, chúng ta cần nghĩ cách đối phó với tương lai”, một nhà ngoại giao người Pháp bình luận.