Theo Welt am Sonntag, Cơ quan Đối ngoại (EEAS) thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo các quan chức ngoại giao và quân sự của khối rằng có "250 điệp viên Trung Quốc và 200 điệp viên Nga" đang hoạt động tại Brussels, thành phố được xem là "thủ phủ" của EU.
Dẫn lời nhiều quan chức ngoại giao EU, tờ báo thuộc hãng truyền thông Welt ngày 9/2 cho biết EEAS đã khuyến cáo các quan chức châu Âu tránh đến một số địa chỉ ở Brussels. Trong "danh sách đen" còn có một quán cà phê và một nhà hàng nằm gần trụ sở chính của Ủy ban châu Âu (EC).
EEAS xác định các đặc vụ tình báo chủ yếu làm việc tại những cơ sở ngoại giao và văn phòng đại diện các công ty Trung Quốc tại Brussels, DW dẫn lại thông tin.
Truyền thông Đức cho biết các điệp viên Trung Quốc thường trà trộn ở các điểm ăn uống gần trụ sở EC. Ảnh: Getty. |
Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại EU ngày 10/2 ra tuyên bố phản bác hãng truyền thông Đức.
"Chúng tôi rất sốc trước những thông tin vô căn cứ và thiếu cơ sở này. Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia và không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác", thông báo nhấn mạnh.
Phái đoàn khẳng định chính phủ Trung Quốc cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp và ổn định với EU. Thông báo đồng thời yêu cầu các bên liên quan "nên đối xử với Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc - EU một cách công bằng và khách quan, không đưa ra những tuyên bố thiếu trách nhiệm", theo South China Morning Post.
Những cáo buộc về điệp viên Trung Quốc ở Brussels là diễn biến mới nhất trong làn sóng quan ngại hoạt động tình báo của Bắc Kinh tại châu Âu.
Hôm 11/1, chính phủ Ba Lan bắt giữ một giám đốc kinh doanh của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei cùng một cựu quan chức tình báo nước này với cáo buộc gián điệp.
Ông Weijing Wang, giám đốc kinh doanh chi nhánh của Huawei tại Ba Lan, bị bắt giữ vào tháng 1 với cáo buộc hoạt động tình báo. Ảnh: Wnp.pl. |
Cơ quan tình báo Lithuania tuần qua cũng cáo buộc Trung Quốc tìm cách tuyển mộ công dân nước này tham gia mạng lưới gián tình báo và tác động lên dư luận trong các vấn đề Tây Tạng và Đài Loan.
"Cùng với sự gia tăng về tham vọng kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại Lithuania và các quốc gia thành viên EU lẫn NATO, những hoạt động của các cơ quan tình báo và an ninh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng", báo cáo thường niên của cơ quan này nhấn mạnh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Vilnius ngày 8/2 đã bác bỏ các thông tin trên, cho rằng những cáo buộc của Lithuania là "ngớ ngẩn".