Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc, Na Uy căng thẳng ngoại giao vì Huawei

Đại sứ quán Trung Quốc tại Oslo đã đáp trả các cáo buộc của tình báo Na Uy về việc Bắc Kinh sử dụng Huawei để hoạt động do thám, cho rằng điều này là "lố bịch", chỉ là "giả thiết".

Theo South China Morning Post, tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Na Uy hôm 5/2 có đoạn: "Thật là lố bịch khi cơ quan tình báo của một quốc gia lại đưa ra những đánh giá an ninh và công kích Trung Quốc bằng một giả thiết".

Lời đáp trả được đưa ra sau khi Cơ quan Cảnh sát Tình báo Na Uy (PST) cáo buộc chính phủ Trung Quốc đánh cắp thông tin từ các website của Na Uy thông qua công nghệ được cung cấp bởi Huawei, trong đánh giá an ninh thường niên của PST.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết luật pháp nước này không yêu cầu các công ty phải xây dựng "một cổng sau bắt buộc" đối với các hệ thống mạng.

Trung Quoc Na Uy cang thang vi Huawei anh 1
Bà Marie Benedicte Bjørnland, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Tình báo Na Uy. Ảnh: AFP.

Bà Marie Benedicte Bjørnland, giám đốc PST, cho rằng luật pháp Trung Quốc yêu cầu các cá nhân và công ty tư nhân như Huawei phải hợp các với các cơ quan chức năng của Trung Quốc.

"Tất cả mọi người cần phải chú ý đến Huawei với tư cách là một nhân tố quan trọng liên quan đến mạng 5G sẽ được xây dựng. Huawei là một công ty có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc", bà Bjørnland nói.

Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Tor Mikkel Wara đã thông báo về kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm giảm khả năng bị tấn công của hệ thống mạng nước này với nhận định những máy chủ của Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Chính phủ quốc gia Bắc Âu sẽ tìm cách để ngăn cản các nhà mạng lớn nhất của nước này là Telenor, Telia và Ice trong việc lựa chọn các thiết bị viễn thông được cung cấp bởi Huawei. Cả Telenor và Telia đều dùng nền tảng của Huawei cho dịch vụ 4G của mình.

Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng nếu theo logic của PST, Trung Quốc cũng có thể là nạn nhân của Na Uy vì quốc gia Bắc Âu có khả năng và có mong muốn sử dụng công nghệ như vậy.

Na Uy không phải là quốc gia duy nhất bày tỏ quan ngại về sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào mạng lưới viễn thông của mình. Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản... đã chặn Huawei tham gia phát triển mạng viễn thông 5G tại các nước này vì lo sợ bị Bắc Kinh do thám.

Gần đây, Liên minh châu Âu, Đức và Anh cũng cho biết họ có thể loại trừ Huawei.

Huawei phủ nhận việc cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào phần cứng, phần mềm và hệ thống mạng của công ty. Họ cũng lên kế hoạch mở một trung tâm an ninh mạng tại Brussels, Bỉ, vào tháng 3 để thực hiện các cam kết với châu Âu.

Tore Larsen Orderløkken, giám đốc an ninh của Huawei tại Na Uy, trả lời phỏng vấn báo DN, cho biết công ty này không bao giờ cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào quyền truy cập thông tin vào hệ thống của họ.

"Chúng tôi không có mối liên hệ nào với nhà chức trách Trung Quốc ngoài việc đặt trụ sở ở đó", ông Orderløkken cho biết.

Mỹ đau đầu đối phó chiến lược 'gián điệp sinh viên' của Trung Quốc

Trung Quốc đang lợi dụng du học sinh người Hoa để tiến hành hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật kinh doanh và thông tin mật từ các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ.

TQ chỉ trích cáo buộc của Mỹ vụ Huawei là 'bất công, vô đạo đức'

Phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc chỉ trích bản cáo trạng của chính phủ Mỹ với tập đoàn công nghệ Huawei là bất công và không có đạo đức.


Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm