Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EU cấm vận dầu Nga, Moscow tìm kiếm khách hàng mới

Nga tuyên bố sẽ tìm kiếm những nước nhập khẩu dầu khác sau khi EU đạt thỏa thuận cấm 90% dầu Nga. Kể từ cuối tháng 2, Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh thủ mua dầu Nga giá rẻ.

Theo CNBC, Nga tuyên bố sẽ tìm kiếm những nước nhập khẩu dầu khác, ngay sau khi khối thương mại lớn nhất thế giới đồng ý áp đặt lệnh cấm cục bộ đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga.

Hôm 30/5, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm hầu hết dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đây là một phần của các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Động thái này được ông Josep Borrell - người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU - ca ngợi là "quyết định mang tính bước ngoặt làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Nang luong Nga anh 1

Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm hầu hết dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

Chặn nguồn thu của Moscow

Lệnh cấm được áp dụng đối với dầu Nga nhập khẩu bằng đường biển, và miễn trừ dầu đi qua đường ống sau sự phản đối của Hungary.

Bình luận về gói trừng phạt thứ 6 của EU, ông Mikhail Ulyanov - đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở thủ đô Vienna (Austria) - cho biết Moscow sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - hoan nghênh thỏa thuận của khối đối với các biện pháp trừng phạt áp lên dầu Nga. Bà cho biết chính sách này sẽ cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, và sớm chuyển trọng tâm vào 10% dầu chảy qua đường ống còn lại.

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga - nước đóng vai trò lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất trên thị trường toàn cầu. Nước này cũng sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên.

Nang luong Nga anh 2

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế biến động mạnh sau khi EU đạt thỏa thuận cấm 90% dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Ảnh: Trading Economics.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi EU áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, những quốc gia nhập khẩu năng lượng vẫn phụ thuộc vào Nga và tạo ra khoản thu ngân sách lớn cho Moscow.

Nguồn thu của Moscow chủ yếu đến từ ngành công nghiệp dầu khí, vốn chiếm 45% thu ngân sách của chính phủ. Châu Âu từ lâu đã là khách hàng hàng đầu của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm ngoái, khối này mua khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

Hôm 31/5, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas kêu gọi EU tiến xa hơn nữa và thảo luận về viễn cảnh cấm vận khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo. Nhưng Thủ tướng Austria Karl Nehammer đã bác bỏ ý kiến này.

Giá dầu thế giới đã tăng vọt vào sáng 31/5. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 1,7% lên 123,76 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch tại London, còn giá dầu WTI - được sản xuất tại các nhà máy lọc dầu Mỹ - tăng 3,5% lên 119,04 USD/thùng.

Những khách hàng mới

Theo ông Adi Imsirovic - thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Oxford, quyết định của EU mở đường cho phương Tây trong việc tạo áp lực lên những nước nhập khẩu năng lượng khác, bao gồm Ấn Độ, đưa ra các biện pháp tương tự đối với dầu của Nga.

"Trước đây, điều này là không thể, bởi rất khó để yêu cầu Ấn Độ dừng nhập khẩu dầu Nga nếu chính châu Âu không làm điều đó", ông giải thích.

Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới - đã tăng nhập khẩu dầu từ Nga kể từ khi Moscow đổ quân vào Ukraine từ hồi cuối tháng 2.

Trước đây, điều này là không thể, bởi rất khó để yêu cầu Ấn Độ dừng nhập khẩu dầu Nga nếu chính châu Âu không làm điều đó

Ông Adi Imsirovic, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Oxford

Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã bác bỏ những lời chỉ trích về việc tiếp tục mua năng lượng từ Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine. New Delhi cho rằng việc ngừng nhập khẩu dầu Nga sẽ gây tổn hại đối với người tiêu dùng.

Theo hãng dữ liệu và phân tích Kpler, khoảng 74-79 triệu thùng dầu Nga đã được vận chuyển trên các con tàu chở dầu trong tuần qua, cao hơn gấp đôi so với 27 triệu thùng vào thời điểm trước xung đột Nga - Ukraine.

Châu Á lần đầu vượt châu Âu và trở thành khách hàng lớn nhất của dầu Nga trong tháng 4. Theo Kpler, khoảng cách này sẽ sớm được mở rộng trong tháng tới.

Theo bà Jane Xie - nhà phân tích dầu cao cấp tại Kpler (có trụ sở tại Singapore), lượng dầu Nga được chuyển tới Ấn Độ và Trung Quốc - 2 khách hàng hàng đầu châu Á - đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 4, chủ yếu do Ấn Độ đẩy mạnh mua hàng.

Theo nguồn tin của Reuters, Trung Quốc cũng đang âm thầm mua dầu Nga với giá rẻ. Nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới dường như đang cố lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại sau khi cắt đứt mối quan hệ với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Theo hãng tư vấn FGE, sau khi EU thống nhất về lệnh cấm loại bỏ mọi mặt hàng dầu nhập khẩu từ Nga, lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển có thể tăng thêm 45-60 triệu thùng do thương mại đường biển giữa Nga và châu Á đi lên.

Dịch bệnh giáng đòn vào các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com vừa báo cáo mức tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục vì làn sóng Covid-19 mới.

Gánh nặng lạm phát cản trở phương Tây trừng phạt kinh tế Nga?

Các quan chức phương Tây rơi vào thế khó khi đứng trước áp lực trừng phạt Nga, nhưng tại quê nhà, những lệnh trừng phạt góp phần đẩy lạm phát lên cao, gia tăng nguy cơ suy thoái.

Kim ngach xuat khau cao ky luc hinh anh

Kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục

0

Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt hơn 368 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm