Bảy quan chức này - trong đó có người đứng đầu Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và người đứng đầu Văn phòng Liên Hợp Quốc Điều phối Các vấn đề Nhân đạo (UNOCHA) - có 72 giờ để rời Ethiopia, Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong một thông báo ngày 30/9. Họ cáo buộc các quan chức Liên Hợp Quốc can thiệp tình hình nội bộ, theo Reuters.
Ngày 29/9, giám đốc cơ quan cứu trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths nói rằng gần 3 tháng dài khu vực Tigray ở trong tình trạng phong tỏa đã khiến việc vận chuyển hàng cứu trợ chỉ đưa được 10% số hàng hóa cần thiết đến khu vực này.
Một người Ethiopia chạy trốn khỏi Tigray và băng qua dòng sông Setit ở biên giới Sudan - Ethiopia. Ảnh: Reuters. |
Xung đột ở khu vực Tigray giữa các lực lượng liên bang và phe của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Tigray (TPLF) đã diễn ra từ tháng 11/2020.
Chính quyền Ethiopia cáo buộc các nhân viên cứu trợ là thiên vị và thậm chí trang bị vũ khí cho lực lượng Tigray, dù không đưa ra được bằng chứng.
Bộ Ngoại giao Ethiopia cũng như các quan chức Liên Hợp Quốc phụ trách Ethiopia chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Hồi tháng 4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố quan ngại sâu sắc về vấn đề nhân đạo ở Tigray, phía bắc Ethiopia, đặc biệt là vấn đề bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em gái.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở khu vực Tigray. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người khác cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa và xin tị nạn ở các khu vực lân cận. Lực lượng quân đội nước Eritrea - bị cáo buộc gây ra các vụ thảm sát - đã giúp quân đội chính phủ Ethiopia chống lại TPLF.