Estée Lauder đã thắng thế trước Kering - tập đoàn xa xỉ của Pháp trong một cuộc đua để mua lại thương hiệu Tom Ford với giá 2,8 tỷ USD, theo Wall Street Journal. Phi vụ này đã đưa nhà thiết kế nổi danh bước vào hàng ngũ tỷ phú thế giới.
Thương vụ bạc tỷ
Estée Lauder Cos Inc. công bố đã hoàn tất thương vụ mua lại Tom Ford với giá 2,8 tỷ USD. Số tiền 2,8 tỷ USD trả cho Tom Ford sẽ được thanh toán thông qua 2,3 tỷ USD tiền mặt trả trước và những khoản thanh toán khác kéo dài đến tháng 7/2025.
Việc mua lại vẫn phải được phê duyệt theo quy định, dự kiến kết thúc vào nửa đầu năm 2023.
Vào tháng 8, tờ Financial Time đã đưa tin rằng Estée Lauder, công ty bán các thương hiệu bao gồm Clinique và M.A.C., đang thỏa thuận với Tom Ford về một thương vụ có thể trị giá ít nhất 3 tỷ USD. Sự biến động trên thị trường và lo ngại về một nền kinh tế đang suy yếu dường như đã làm giảm giá phần nào.
Tom Ford đang trên đà đạt 1 tỷ USD hàng năm trong những năm tới. Ảnh: Getty Images. |
Tom Ford nổi tiếng với trang phục nam giới, mặc dù hãng cũng bán quần áo, phụ kiện nữ, mỹ phẩm và nước hoa cao cấp. Tom Ford cũng là thương hiệu uy tín trong mảng kinh doanh làm đẹp. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6, mảng này của Tom Ford có mức tăng trưởng doanh thu ròng khoảng 25% và đang trên đà đạt 1 tỷ USD hàng năm trong những năm tới.
Estée Lauder đặc biệt quan tâm đến mảng làm đẹp. Trước đó, Estée Lauder đã có giấy phép sản xuất Tom Ford Beauty, một dòng sản phẩm nước hoa và trang điểm mà Ford hợp tác phát triển với tập đoàn và ra mắt vào năm 2006. Giờ đây, việc sở hữu Tom Ford sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn cho tập đoàn khi danh mục nước hoa và trang điểm danh tiếng của Tom Ford đã tăng trưởng lần lượt 18% và 13% trong quý II/2022.
Estée Lauder hồi đầu tháng này cho biết doanh số bán hàng hữu cơ của họ đã giảm 5% trong quý gần nhất, do bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc và sự sụt giảm đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ Mỹ. Công ty làm đẹp ở New York cũng hạ triển vọng cho năm tài chính hiện tại.
Estée Lauder tích cực thâu tóm các công ty nhỏ trong những năm qua. Họ đã trả khoảng 1 tỷ USD để mua phần còn lại của công ty làm đẹp Canada Deciem Inc. vào năm 2021 và công ty chăm sóc da Hàn Quốc Have & Be Co. vào năm 2019. Vài năm trước, công ty này đã trả khoảng 1,5 tỷ USD cho Too Faced Cosmetics LLC.
Tỷ phú ngành thời trang xa xỉ
Thương vụ mua lại này cũng đã giúp Tom Ford ghi tên vào hàng ngũ tỷ phú thế giới sau 17 năm hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang. Forbes ước tính rằng nhà thiết kế nổi danh 61 tuổi sẽ nhận được khoảng 1,1 tỷ USD tiền mặt từ việc bán, sau khi trừ các khoản thuế ước tính.
Ford sở hữu gần 64% cổ phần của công ty theo hồ sơ năm 2013 và dường như ông không bán bất kỳ cổ phần nào của mình kể từ đó. Ford cũng sở hữu ít nhất hai ngôi nhà, bao gồm một ngôi nhà ở Holmby Hills ở Los Angeles và một ở Upper East Side, New York, trị giá tổng cộng 65 triệu USD. Tài sản của Ford hiện có giá trị ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.
Ford sẽ tiếp tục là "người có tầm nhìn sáng tạo" cho đến cuối năm 2023 sau khi Estée Lauder trở thành chủ mới của thương hiệu Tom Ford. Ảnh: Wireimage. |
“Tôi không thể hạnh phúc hơn với thương vụ này vì Estée Lauder Companies là ngôi nhà lý tưởng cho thương hiệu của tôi. Họ đã là một đối tác tuyệt vời ngay từ ngày đầu tiên tôi thành lập công ty và tôi rất vui khi thấy họ trở thành những người quản lý trong chương tiếp theo của thương hiệu Tom Ford” - nhà thiết kế nổi danh cho biết.
Sinh ra ở Austin, Texas, Ford lớn lên ở Santa Fe, New Mexico trước khi chuyển đến New York để học lịch sử nghệ thuật tại NYU. Sau đó, ông chuyển sang Trường thiết kế Parsons, học kiến trúc tại các cơ sở của trường ở New York và Paris. Mối quan tâm của Ford đối với thời trang được cho là bắt đầu khi ông nghỉ học một năm để làm việc tại văn phòng báo chí của hãng thời trang cao cấp Pháp Chloé ở Paris. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho nhà thiết kế đồ thể thao Cathy Hardwick.
Ford có bước ngoặt lớn đầu tiên vào năm 1990, khi ông chuyển đến Milan để làm việc với tư cách là nhà thiết kế trang phục nữ cho Gucci. Ông nhanh chóng thăng tiến, trở thành giám đốc thiết kế vào năm 1992 và giám đốc sáng tạo của thương hiệu vào năm 1994. Chính tại Gucci, ông đã gặp đối tác kinh doanh hiện tại của mình, Domenico De Sole, sau đó là giám đốc điều hành của công ty. Năm 1995, cặp đôi này đã góp phần đưa Gucci lên sàn chứng khoán Amsterdam và New York.
Từ năm 1994 - khi Ford trở thành giám đốc sáng tạo của Gucci - đến năm 2003, doanh thu của Gucci đã tăng gần 1.200% lên gần 3 tỷ USD. Ford và De Sole giám sát việc mua lại các thương hiệu cao cấp của Gucci bao gồm Balenciaga và Bottega Veneta. Nhưng Ford đã rời Gucci ngay sau khi Pinault hoàn tất việc tiếp quản vào tháng 4/2004, được cho là do những bất đồng về quyền kiểm soát công ty.
Vào tháng 3/2005, Ford đã tự tách ra và thành lập thương hiệu của riêng mình. De Sole tham gia với tư cách là chủ tịch của công ty mới. Cửa hàng đầu tiên của Ford được mở ở New York vào năm 2007. Cùng năm, ông bán 25% cổ phần của thương hiệu cho Grupo Amorim với số tiền không được tiết lộ. Vào năm 2015, Amorim đã bán 15% cho Zegna, để lại 10% cho Tom Ford.
Không rõ tương lai sẽ ra sao đối với Ford sau năm 2023, khi vai trò của ông tại Estée Lauder kết thúc. Bất kể ông chọn làm gì, vị tỷ phú mới này sẽ rất rủng rỉnh tiền mặt.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...