Bình luận
Những gì được chứng kiến trực tiếp từ sân Parken, Copenhagen, ở hiệp 1 trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan thật xúc động. Ai đã bảo, đấy là vẻ đẹp của thể thao, nhưng đối với tôi, ý nghĩa của những hình ảnh ấy còn hơn thế nữa.
Hơn cả một trận đấu của Euro
Một trận đấu của Euro như thế chỉ đơn giản là khiến chúng ta chú ý hơn thôi, đến khía cạnh rất nhân bản của mối quan hệ giữa người với người. Đấy là khi người ta không chỉ có trái tim, mà trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, sự bình tĩnh, chuyên nghiệp, tổ chức một cách khoa học luôn đưa chúng ta vượt qua khó khăn.
Đây không phải là khó khăn bình thường, mà là sự nguy kịch của một con người, và những gì họ đã làm trên sân trong hơn 10 phút mà trái tim của cả thế giới thắt lại ấy khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.
Khi Christian Eriksen vừa ngã xuống trên sân, trọng tài chính Anthony Taylor chỉ mất vài giây để nhanh chóng dừng trận đấu và hối hả gọi bác sĩ vào sân. Đội trưởng Simon Kjaer, một trong những người đầu tiên có mặt bên cạnh đồng đội thì xem xét xem Eriksen có nuốt lưỡi không, có nằm đúng tư thế để có thể thở được không, sau đó anh và các đồng đội đứng chắn cho Eriksen để không ai có thể quay cảnh đó. Và rồi, anh cùng thủ môn Kasper Schmeichel an ủi Sabrina, vợ của Eriksen.
Trong khi đó, trên khán đài, các cổ động viên hai đội ủng hộ Eriksen bằng một cách rất đặc biệt. Cổ động viên Phần Lan hô vang tên “Christian” và ngay sau đó, khán giả Đan Mạch tiếp lời khi hô “Eriksen”. Sau khi Eriksen tỉnh lại và được đưa vào bệnh viện, trận đấu tiếp diễn. Khi các cầu thủ Đan Mạch vào sân, các cầu thủ Phần Lan đã đứng vỗ tay để động viên họ.
Cổ động viên trên sân lo lắng cho Eriksen. Ảnh: Reuters. |
Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-0 cho Phần Lan, một chiến thắng lịch sử, bởi đó là những điểm số đầu tiên trong lịch sử của họ ở một kỳ Euro. Nhưng đêm Copenhagen, ý nghĩa của chiến thắng bị lu mờ bởi sự kiện trên sân cỏ, và điều mà người ta nói đến ngay sau khi chứng kiến tất cả những trái tim đã đập và làm mọi điều cần thiết, trong thời gian ngắn nhất để lấy lại cuộc sống cho Eriksen chính là về một mạng sống đã được bảo toàn.
Đấy chính là chiến thắng đẹp nhất của trận đấu, một chiến thắng vì con người, vì Eriksen, để “đội bóng của Chúa”, như chúng ta vẫn nói một cách buồn bã về những cầu thủ đã ngã xuống và không bao giờ đứng dậy nữa, không có thêm một thành viên mới. Không rõ sau này, khi bình phục, Eriksen còn có thể ra sân nữa không, nhưng trong câu chuyện này, nếu bóng đá mất đi một cầu thủ, cuộc sống vẫn tồn tại một con người.
Nhìn cách xử lý chuyên nghiệp của trọng tài, của các cầu thủ Đan Mạch, nhìn thấy cả cách cổ động viên đã cư xử văn minh ra sao, đã hát tên Eriksen, đã lấy một lá cờ Phần Lan để giúp các nhân viên y tế che cho băng ca của Eriksen lúc đó đang rời sân, thấy rất nể phục họ. Họ không hoảng loạn, không mất bình tĩnh, tất cả được thực hiện một cách rất chuyên nghiệp.
Văn hóa ứng xử
Điều gì đã tạo nên những phản ứng ấy nếu không nói là đã được đào tạo rất bài bản, và kỹ năng sống được bồi đắp từ nhỏ, thông qua giáo dục? Điều gì đã khiến các cầu thủ đứng ra làm hàng rào che chắn cho đồng đội được sơ cứu trên sân lúc ấy, và các camera truyền hình trực tiếp trên sân rút ra, không quay cận cảnh mà chỉ lấy cảnh toàn, do đó người xem không phải chứng kiến những giây phút căng thẳng và bi kịch, nếu không nói đấy chính là một nét văn hóa của họ nói riêng và phương Tây nói chung, rất coi trọng các quyền của con người, trong đó có quyền riêng tư?
Những điều đó có thể là gì nếu không nói đó là văn hóa sống, triết lý sống của họ, và những tính toán rất khoa học, thực dụng nhưng quyết đoán cũng là một phần lý do để ta hiểu rộng ra tại sao cả châu lục ấy ban đầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào vì đại dịch, mà bây giờ đang bắt đầu mở cửa, hạn chế dần các giãn cách để cuộc sống có thể trở lại tiệm cận mức bình thường.
Euro không chỉ là câu chuyện về một giải đấu bóng đá, với những vấn đề về chuyên môn thuần túy, mà còn là một tấm gương để ta soi vào đó, gạn lọc từ đó những câu chuyện của cuộc sống, chẳng hạn như cách mà người ta đã làm tất cả để cứu bằng được Eriksen.
Câu chuyện ấy khiến cho cuộc đời đẹp hơn, và là một trong những ví dụ cho thấy người ta có thể vượt qua những cú sốc, những nỗi đau và những khó khăn theo cách nào. Trên hết vẫn là ví dụ sinh động về cách đối xử giữa con người với con người, dựa trên những quan niệm cơ bản về quyền của con người và từ đó định ra cách ứng xử. Và cách ứng xử ấy là quan tâm đến nhau, nghĩ về nhau, làm cho nhau, hướng đến điều cơ bản nhất chính là về con người.
Eriksen được che chắn kỹ. Ảnh: Reuters. |
Không ngạc nhiên khi Đan Mạch và Phần Lan luôn là 2 trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới dựa trên báo cáo hàng năm của các tổ chức quốc tế. Tôi cũng từng đặt chân đến đó, đã trực tiếp chứng kiến nhiều điều của cuộc sống nơi ấy, từng trò chuyện với nhiều người Đan Mạch và Phần Lan về những triết lý sống của họ. Và tôi hiểu ra một điều rằng, chính những gì mà họ đề cao liên quan đến lối sống mà họ cho là đơn giản ấy hóa ra không phải dễ thực hiện với nhiều người trong số chúng ta.
Đấy là sống hòa mình với thiên nhiên; thường xuyên đi du lịch; gần gũi với gia đình và bạn bè; trang trí nhà cửa một cách trang nhã, nhưng giản dị và đủ ánh sáng thiên nhiên; cho phép con cái gắn kết với gia đình và được phép tự do thể hiện quan điểm; sống chậm để hưởng thụ cuộc sống, nhưng vẫn vận động thường xuyên trong các hoạt động thể thao.
Việc đề cao các giá trị tự thân nhưng không đánh giá, phán xét các cá nhân khác biệt luôn được thực hiện. Và điều cốt lõi của triết lý ấy chính là hướng đến con người, với sự tự do, phẩm hạnh và hạnh phúc của người ấy, theo cách của riêng mình. Tất cả được hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử đất nước, thông qua giáo dục và pháp luật.
Thế đấy, một sự cố trên sân bóng, liên quan đến một cầu thủ, lại giúp chúng ta hiểu rất nhiều điều về một đất nước và nền văn hóa của nó. Xét cho cùng, bóng đá cũng chỉ là ánh xạ của cuộc sống, phản ánh nó, và trong câu chuyện này, là nhịp cầu để đưa chúng ta tiến gần hơn văn hóa Bắc Âu.