Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Em và Trịnh' - nỗ lực tái hiện Trịnh Công Sơn còn nhiều hạn chế

“Trịnh Công Sơn” cùng “Em và Trịnh” đã tái hiện những giai đoạn trong cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên màn ảnh thông qua hình ảnh, màu sắc - và tất nhiên, cả lời ca.

review Em va Trinh anh 1

Thể loại: Tâm lý, tình cảm

Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh

Diễn viên: Trần Lực, Avin Lu, Hoàng Hà, Bùi Lan Hương...

Điểm: 6,5/10

Trịnh Công Sơn là người nhạc sĩ tài hoa, vĩ nhân và biểu tượng văn hóa của thế kỷ XX. Cuộc đời ông gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Chuyện đời và các ca khúc của Trịnh Công Sơn từng hai lần trở thành cảm hứng cho các phim điện ảnh ra mắt trong thập niên 1970 và 1990.

Chùm phim Trịnh Công Sơn cùng Em và Trịnh ra mắt với nỗ lực một lần nữa tái hiện cuộc đời phi thường của người nghệ sĩ lên màn ảnh, gắn liền với hai từ khóa “thân phận” và “tình yêu” trở đi trở lại trong các sáng tác của ông. Chuyện xưa được kể ở một góc nhìn mới với nhiều giả định - cần phải nhắc lại cả hai tác phẩm chưa bao giờ được quảng bá là phim tiểu sử về Trịnh Công Sơn dù được xây dựng với 80% chất liệu từ cuộc đời vị nghệ sĩ.

Hai tác phẩm tồn tại song hành

Dù được phát hành dưới dạng hai phiên bản độc lập, về tổng thể, cả Trịnh Công Sơn cùng Em và Trịnh đều có cùng một cách triển khai. Khán giả được giới thiệu với phiên bản Trịnh Công Sơn trung niên (Trần Lực), rồi từ đó lần ngược về quá khứ. Hai bộ phim cũng chia sẻ cùng một cái kết, và ở mức độ nào đó, chung một mở đầu.

Em và Trịnh, câu chuyện bắt đầu khi cô sinh viên Michiko (Nakatani Akari) vì mến mộ tài năng Trịnh Công Sơn mà đã lặn lội tới tận Việt Nam để làm luận văn về những ca khúc phản chiến của ông. Với Trịnh Công Sơn, phim bắt đầu với cuộc trò chuyện vắt qua hai bờ lục địa giữa Khánh Ly (Bùi Lan Hương) và người nhạc sĩ. Trong lúc chuyện trò, Trịnh Công Sơn bất lực thốt lên “âm nhạc đã bỏ anh rồi”.

review Em va Trinh anh 2

Vai Trịnh Công Sơn thời trẻ là một thử thách với Avin Lu. Diễn xuất của nam diễn viên chưa có sự đột phá so với thời Sài Gòn trong mưa (2020).

Sau mở đầu ở hiện tại (cuối thập niên 1980), khán giả được ngược về quá khứ - Huế những năm 1960. Khi này, Trịnh Công Sơn (Avin Lu) tuổi thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tương lai anh và bạn bè như chuông treo chỉ mành dưới bóng ma chiến tranh. Giữa lúc ấy, trong một cơn mưa xứ Huế, trái tim đôi mươi của Trịnh Công Sơn đã lạc nhịp khi thấy bóng một cô nữ sinh trên đường đi học về.

Trịnh Công Sơn đưa khán giả bước qua thanh xuân của vị nhạc sĩ tài danh, được ghi dấu bởi những mối tình dở dang, trong cuộc đời và trong cả âm nhạc với Diễm, Ánh, Mai. Trong khi đó, Em và Trịnh tiếp tục đi qua một vùng thời gian rộng hơn, tới tận bên kia con dốc cuộc đời khi ông gặp người con gái Nhật Michiko và cả nàng thơ non trẻ “mang tên một loài hoa”.

Nói cách khác, nội dung của Trịnh Công Sơn nằm gọn trong diễn biến của Em và Trịnh, nhưng khán giả có thể nhận ra những sai khác trong cách hai tác phẩm kể về cùng những sự kiện trong quá khứ của người nghệ sĩ. Một số tình tiết được thêm vào, số khác bị lược bỏ hoặc sắp xếp lại “phục vụ cho kịch tính của cốt truyện” - như chính lời rào trước đón sau trước khi bộ phim bắt đầu.

Phụ thuộc vào thứ tự xem, ý nghĩa của chúng trong tương quan với bộ phim còn lại có thể sẽ thay đổi. Nếu đặt Trịnh Công Sơn trước Em và Trịnh, đó sẽ là hành trình đi từ những hiểu biết chung về vị nhạc sĩ bước vào vùng sáng tạo của Phan Gia Nhật Linh và Bình Bồng Bột. Ngược lại, nếu xem Em và Trịnh trước, khán giả sẽ cần tìm đến Trịnh Công Sơn để chắp nối, làm sáng tỏ tuyến truyện ở mốc thời gian quá khứ đã bị cắt vụn để phục vụ nhịp phim lấy trọng tâm là thì hiện tại.

Cả hai bộ phim đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: chiêu đãi đôi mắt và đôi tai khán giả. Công nghệ đã giúp Trịnh Công Sơn tái hiện khung cảnh xứ Huế trong cơn mưa, với hai đỉnh tháp chuông đã đi vào câu ca “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, cảnh núi rừng Blao hùng vĩ như muốn nuốt chửng đốm sáng nhỏ nhoi bên trong ngôi nhà lụp xụp của anh giáo Trịnh hay khoảng giếng trời xanh rì cây lá đã ươm mầm cho mối tình thơ…

Dưới bàn tay nhào nặn của nhạc sĩ Đức Trí, nhiều bài hát tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác Trịnh Công Sơn đã được cất lên bằng những giọng hát trẻ trung. Thay đổi ấy không khiến ca khúc xưa mất đi màu thời gian. Ngược lại, nó hòa hợp với bộ phim, và đôi khi, giai điệu cũ cất lên còn khiến người xem cảm động hơn chính những tình huống mà nó ấy hiện diện.

Thành công lớn nhất của Em và Trịnh cũng như Trịnh Công Sơn chính là đã chọn được một dàn diễn viên phù hợp. Trong đó, màn thể hiện trọn vẹn hơn cả thuộc về hai nhân vật Dao Ánh của Hoàng Hà và Mai/Khánh Ly của Bùi Lan Hương. Họ mang đến cho bộ phim hai màu sắc đối lập, nhưng không hề đối chọi.

Dao Ánh của Hà Hoàng có sự trong sáng mà một ánh nhìn từ đôi mắt trong veo hay nụ cười hồn nhiên đủ sức làm sáng bừng cả khung trời xứ Huế. Ngược lại Khánh Ly do Bùi Lan Hương đóng có sự từng trải của người đàn bà nhiều va vấp, nhưng chưa bao giờ vụt tắt ánh hồn nhiên và bản năng dám sống, dám yêu - như ánh lửa cháy bập bùng giữa màn đêm của núi đồi Blao.

Diễn giải rối rắm về những mối tình

Trên màn ảnh, Michiko không chỉ đặt cho người nghệ sĩ già những câu hỏi. Cô, bằng sự tò mò lẫn sức thanh xuân của mình, đã khơi lại niềm vui sống nơi ông. Về phía Trịnh Công Sơn, người nghệ sĩ từ chỗ thích thú trước một cô gái Nhật quấn quýt, dành quá nhiều sự ngưỡng mộ cho mình đã bắt đầu nảy sinh lòng cảm mến.

Michiko là người tiến xa nhất trong mối quan hệ với Trịnh Công Sơn, nhưng cũng là người ít được công chúng biết đến hơn cả trong số ba nhân vật. Thư từ giữa cô và Trịnh Công Sơn không đem tổng hợp thành sách. Cô cũng không phải Khánh Ly để bước lên sân khấu hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ngay cả lý do khiến cuộc hôn nhân giữa họ đổ bể vào phút chót cũng chỉ là giai thoại.

review Em va Trinh anh 3

Cốt truyện Em và Trịnh cũng như Trịnh Công Sơn được xây dựng phần nhiều dựa trên việc phục dựng chân dung Trịnh Công Sơn thể hiện qua những lá thư gửi bà Dao Ánh.

Nếu thời thanh niên của Trịnh Công Sơn có thể coi như một bản phim chuyển thể, hay phóng tác từ những tư liệu đã có sẵn - những lá thư trong Thư tình gửi một người, hồi ức của bạn bè, chia sẻ của chính người trong cuộc và các giai thoại - thì cuộc tình giữa Michiko và Trịnh Công Sơn đòi hỏi người biên kịch phải vào vai một nhà khảo cổ học để tái hiện lịch sử từ những manh mối còn sót lại.

So với Dao Ánh hay Khánh Ly, câu chuyện với quá nhiều khoảng trống cần lấp đầy của Michiko chính là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng ý tưởng. Kết quả của cuộc đuổi hình bắt chữ, điền vào chỗ trống ấy chính là Em và Trịnh với câu chuyện tình yêu theo mô-típ “em ở đầu xuân anh cuối đông” - cô gái trẻ đánh thức tình yêu trong trái tim người đàn ông đã mỏi mệt, chai sạn trước cuộc đời.

Ở khía cạnh này, khán giả chưa từng, hoặc biết ít về cuộc đời người nhạc sĩ cũng như các mối tình của ông, có thể sẽ dễ dàng đón nhận Em và Trịnh hơn bộ phận những người yêu nhạc Trịnh. Màn hóa thân của Trần Lực đem đến những cảm xúc trái ngược. Trần Lực diễn không dở, nhưng kịch bản đã đặt phiên bản Trịnh Công Sơn của anh vào một tình thế khó khăn (không cần thiết).

Những khoảnh khắc một mình, những khi bên mẹ, lúc chan hòa cùng bạn văn, anh là Trịnh Công Sơn tài hoa mực thước. Nhưng đứng trước Michiko, hay trùng điệp những sự kiện rối rắm phim cố vẽ ra sau này, anh biến thành một người đàn ông ngoài 50 bước vào tuổi hồi xuân với lối hành xử màu mè, thiếu chân thật.

Trịnh Công Sơn của Trần Lực ở hồi 3 Em và Trịnh, một cách kỳ quái, lặp lại chính những gì phiên bản trẻ tuổi của nhân vật, do Avin Lu thủ vai thể hiện trong hồi I của Trịnh Công Sơn. Vụng dại, bối rối, loay hoay giữa những cuộc tình. Sau gần hai tiếng trên màn ảnh, hành trình cảm xúc của nhân vật Trịnh Công Sơn đã quay về đúng điểm khởi đầu.

Chiến tranh bên ngoài khung cửa

Khán giả theo dõi phiên bản Trịnh Công Sơn sẽ được giới thiệu kỹ càng với nhóm bạn tài tử của Trịnh Công Sơn, mà mỗi người đều mang theo mình một bi kịch của lịch sử: Ngô Kha (Samuel An), Định Công (Việt Hưng), Văn Đỗ (Bảo Long) và Bửu Ý (Hà Quốc Hoàng). Cuộc đời thăng trầm của nhóm bạn phần nào bù đắp cho sự thiếu vắng không khí căng thẳng của không khí chiến tranh thể hiện trong tác phẩm.

Trịnh Công Sơn của Phan Gia Nhật Linh luôn quan sát cuộc chiến ở một vị trí an toàn từ ngôi thứ ba. Trên màn ảnh, anh chưa bao giờ hòa vào dòng người xuống đường biểu tình do Ngô Kha lãnh đạo. Chiến tranh với anh là hỏa pháo rơi xuống nơi chân trời xa trên con đường dẫn lên Blao, là những tiếng đạn pháo nổ ì ùng phía xa – đầy đe dọa, nhưng chưa bao giờ trực tiếp reo rắc đau khổ.

Trịnh Công Sơn nhìn làng mạc tiêu điều, những nấm mộ đắp vội phủ vôi trắng, những thây người nằm chết bên đường sau trận càn… trôi qua hai bên đường từ sau lớp cửa kính xe khách. Ngay cả cuộc lùng sục thanh niên trốn quân dịch cũng không ảnh hưởng đến chàng thanh niên ấy. Trái lại, chi tiết này bị lãng mạn hóa thành cái cớ để tình cảm giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh được dịp “tháo cũi xổ lồng”.

review Em va Trinh anh 4

Khía cạnh khốc liệt của chiến tranh tác động lên con người và suy nghĩ của Trịnh Công Sơn vẫn chưa được thể hiện rõ nét.

Phim có nhiều phân đoạn bị đứt cảm xúc khi đột ngột chèn các đoạn phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam (từ nhiều nguồn, khá thiếu thống nhất khi kết hợp cả phim đen trắng với phim màu) để dẫn chuyện trong các đoạn thể hiện sự tàn phá. Về mặt kỹ thuật, các đoạn tư liệu không thể hòa hợp với tổng thể bộ phim. Về mặt nội dung, nó kể những câu chuyện quá vĩ mô, xa vời với thế giới nhỏ của nam chính, vốn gắn liền với các không gian như góc sân, hiên nhà, trong quán cà phê, trên sân khấu phòng trà… Nói cách khác, đạo diễn đang chọn một phông nền quá hoành tráng so với tầm vóc nhân vật của mình.

Rải rác khắp hai bộ phim, khán giả tìm thấy nhiều chi tiết chưa được xử lý kỹ càng, hoặc hình ảnh được sắp đặt có chủ ý nhưng gây bối rối cho khán giả. Ví như nửa đầu Em và Trịnh, phim dựng các cảnh quá khứ và hiện tại đan xen bằng cách làm giả cú máy liền. Ở một cảnh phim, khán giả thấy máy quay đi qua Trịnh Công Sơn trẻ, lướt qua một chú bé cởi trần đang ngồi ăn giữa ngõ. Máy quay tiếp tục di chuyển và bắt vào hình Trịnh Công Sơn trung niên cùng Michiko đi tới. Ở góc khung hình tiếp theo, khán giả vẫn nhìn thấy chú bé cởi trần ngồi ăn - chỉ khác giờ đã lớn lên thành người đàn ông.

Ở cảnh khác, Michiko và Trịnh Công Sơn đi dạo trên một con đường nhìn xuống thung lũng, phía xa là nền trời hoàng hôn màu tím hồng. Michiko bắt đầu hát, khiêu vũ và kéo Trịnh Công Sơn phụ họa cùng mình. Trong phút chốc, Em và Trịnh đột ngột biến thành phim ca vũ kịch. Đây cũng không phải lần duy nhất đạo diễn đưa vào Em và Trịnh những cảnh phim với cách thể hiện quá khác biệt, lạc lõng so với tổng thể.

Một bản nhạc hay cần có nốt bổng nốt trầm, một bức tranh đẹp cần có bố cục chính - phụ. Nhưng khi mọi nốt nhạc đều cao ngang nhau và mọi hình ảnh đều có tầm quan trọng ngang bằng, khó trách khán giả chật vật tìm kiếm một điểm thu hút mắt nhìn.

Sau cùng, mọi mâu thuẫn trong phim đều được dàn xếp bằng cái kết hướng về tương lai gượng ép. Vấn đề của hai bộ phim, tình cờ đã được Michiko tóm tắt trong hai câu thoại cuối - nhưng rất tiếc không kèm câu trả lời, hoặc một câu trả lời ít được mong đợi. Từ chỗ bộ phim tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hai tác phẩm đã biến thành cuộc truy tìm đáp án cho câu hỏi trần tục: ai là người đàn bà được ông yêu nhất.

'Bằng chứng thép' mất chất

"Bằng chứng thép" là series hình sự, phá án kinh điển của màn ảnh Hong Kong. Tuy nhiên, các phần mới của phim không còn giữ được chất riêng.

Doanh thu phòng vé Trung Quốc thấp nhất 10 năm qua

Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều bộ phim phải dời lịch chiếu, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Marvel làm phim về biệt đội ác nhân Thunderbolts

Dự án “Thunderbolts” do Marvel Studios đầu tư sản xuất đã tìm được đạo diễn. Cái tên được chọn mặt gửi vàng là nhà làm phim Jake Schreier.

Hyun Bin biet on Son Ye Jin hinh anh

Hyun Bin biết ơn Son Ye Jin

0

Trong chương trình You Quiz on the Block, Hyun Bin chia sẻ về bà xã và con trai vừa tròn 2 tuổi. Nam diễn viên tâm sự anh tôn trọng và biết ơn những điều Son Ye Jin đã làm.

Hải Anh

Ảnh: Galaxy

Bạn có thể quan tâm