Theo Business Insider, cô Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, đã không xuất hiện bên cạnh lãnh đạo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok ngày 25/4.
Trước đó, người em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un này đã bị loại khỏi danh sách ủy viên dự khuyết của bộ Chính trị trung ương đảng Lao động Triều Tiên, cơ quan quyền lực tối cao tại quốc gia này. Cô Kim Yo Jong cũng không xuất hiện trong các cuộc họp cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên.
Bà Kim Yo Jong vốn thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong các hội nghị quốc tế. Ảnh: Yonhap. |
Các chuyên gia nhận định đây có thể là chỉ dấu cho thấy cô Kim Yo Jong đã bị giáng chức, hoặc không còn được trọng dụng trong chính quyền mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Danh tiếng của Kim Yo Jong nổi lên khi cô đảm trách vị trí lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của đảng Lao động Triều Tiên năm 2017, đồng thời được đưa vào danh sách ủy viên dự khuyết của bộ Chính trị.
Trong năm 2018 và 2019, Kim Yo Jong trở thành trung tâm chú ý của dư luận quốc tế khi liên tục xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong các hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều, và đặc biệt trong 2 lần hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore và Hà Nội.
Ngoài Kim Yo Jong, một quan chức cao cấp khác của Triều Tiên được cho là đã bị hạ cấp là Kim Yong Chol, người từng được coi là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và phụ trách tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Ông Kim Yong Chol được cho là đã mất chức vào tay một quan chức tình báo khác. Ảnh: Reuters. |
Là đặc phái viên cấp cao của Triều Tiên và là một trong những quan chức có vai trò nổi bật tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, thế nhưng ông Kim Yong Chol không có mặt trong đoàn tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Vladivostok.
Theo Yonhap, vị trí của ông Kim Yong Chol hiện đã bị thay thế bởi Jang Kum Chol, giám đốc cơ quan tình báo phụ trách vấn đề quan hệ liên Triều.
Việc Kim Yo Jong và Kim Yong Chol đồng thời bị hạ cấp, trùng thời điểm với căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Triều, được coi là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang thay đổi chính sách, chuyển hướng sang các đối tác khác, như Nga và Trung Quốc, để giải quyết vấn đề hạt nhân.