Lời cảnh cáo của bà Kim Yo Jong, Phó trưởng ban thứ nhất Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, được hãng tin KCNA đăng tải ngày 4/6.
Bà gọi việc rải truyền đơn là "hoạt động thù địch" và tuyên bố Triều Tiên không chỉ sẵn sàng hủy thỏa thuận quân sự, mà còn chấm dứt một số dự án trao đổi liên Triều nếu Seoul không hành động, theo Korea Times.
"Nếu chính quyền Hàn Quốc không đưa ra biện pháp phù hợp, họ phải sẵn sàng đối diện hậu quả. Đó có thể là hủy bỏ chương trình du lịch đỉnh Geumgang, tháo dỡ hoàn toàn Khu Công nghiệp Gaeseong, đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều hoặc hủy thỏa thuận quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc", bà nhấn mạnh.
Vài tiếng sau thông điệp của Bình Nhưỡng, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố sẽ tìm cách cách ngăn chặn các nỗ lực rải truyền đơn, "xoa dịu căng thẳng cơ bản tại khu vực biên giới".
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 4/6 cũng tuyên bố mọi hoạt động thù địch ở biên giới cần chấm dứt.
Bà Kim Yo Jong (phải) là em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA. |
Một trợ lý cấp cao của Tổng thống Moon Jae In nhận định việc rải truyền đơn là "hoàn toàn vô dụng", đồng thời lo ngại Triều Tiên sẽ phản ứng "những hành động đe dọa an ninh quốc gia".
Các nhóm hoạt động dân sự vì quyền lợi của người Triều Tiên đào tẩu đã thả bong bóng mang truyền đơn chống Triều Tiên ở biên giới vào ngày 31/5. Một số truyền đơn chỉ trích việc ông Kim Jong Un cho thử tên lửa. Nhóm này thông báo sẽ gửi thêm 1 triệu truyền đơn tại biên giới vào ngày 25/6, kỷ niệm 70 năm ngày chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (1950-1953).
Theo bà Kim Yo Jong, hoạt động này vi phạm Tuyên bố Panmunjeom (Bàn Môn Điếm), được ông Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ký ngày 27/4/2018.
"Hàn Quốc cần ý thức rõ Tuyên bố Bàn Môn Điếm cấm mọi hoạt động thù địch gần Đường Phân chia ranh giới Quân sự (MDL)", bà nhấn mạnh.
"Dù hai nước sắp đánh dấu 20 năm ký Tuyên bố chung Ngày 15/6 Triều Tiên - Hàn Quốc, phía Hàn Quốc tiếp tục rải truyền đơn. Hàn Quốc sẽ sớm đối diện kịch bản tồi tệ nhất trong quan hệ liên Triều nếu điều này không chấm dứt", bà Kim đề cập đến thỏa thuận ký năm 2000, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền bán đảo Triều Tiên sau 55 năm kể từ ngày đình chiến.