Những người sống sót và lực lượng cứu hộ nói với BBC rằng họ lo ngại số người chết sẽ còn tăng thêm khi chứng kiến những ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn, những con đường đổ nát và tháp di động không hoạt động.
“Có tiếng ầm ầm và giường của tôi bắt đầu rung chuyển", Shabir - người sống sót sau trận động đất - kể lại. "Trần nhà rơi xuống. Tôi bị mắc kẹt, nhưng vẫn nhìn thấy bầu trời. Tôi bị trật khớp vai, đầu đau nhưng tôi cố thoát ra ngoài. Tôi chắc rằng 7-9 người trong gia đình tôi, ở cùng phòng với tôi thời điểm đó, đã mất".
Một bác sĩ ở Paktika cho biết có nhiều nhân viên y tế cũng là nạn nhân của thảm họa này. "Trước trận động đất, chúng tôi đã không có đủ người và vật tư, và bây giờ trận động đất hủy hoại hết những gì chúng tôi có", vị bác sĩ nói. "Tôi không rõ có bao nhiêu đồng nghiệp của tôi còn sống".
Một nhà báo địa phương cho hay khó liên lạc sau trận động đất bởi các tháp di động đã bị hư hại. “Nhiều người không rõ tình hình của người thân vì điện thoại không hoạt động", ông nói. "Anh trai tôi và gia đình anh đã thiệt mạng, tôi mới chỉ biết điều đó sau tận vài giờ. Nhiều ngôi làng đã bị phá hủy".
Mất 18 người thân trong một ngày
Theo các bác sĩ ở bệnh viện lớn tại thủ phủ Sharana, vào ngày xảy ra thảm kịch, một trận mưa lớn đã trút xuống một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất ở tỉnh Paktika, Washington Post đưa tin.
“Có hàng trăm người bị thương vẫn còn mắc kẹt trong làng, họ không nhận được trợ giúp, cũng không có nơi để ở, nhưng lại không thể rời đi vì đường ngập”, bác sĩ Kamran Khan cho hay.
Khan nói thêm rằng 10 xe cấp cứu đang bị mắc kẹt tại một quận nơi hàng trăm ngôi nhà bị san phẳng. Máy bay trực thăng cứu hộ cũng không thể sử dụng trong vài giờ vì mưa quá lớn.
Em bé bị thương đang được điều trị tại bệnh viện ở Sharana, tỉnh Paktika. Ảnh: AFP. |
Safia - một đứa trẻ 2 tuổi đang điều trị tại bệnh viện Sharana - mất 18 người thân sau trận động đất. Chỉ có mẹ và ông nội bé sống sót. Trận động đất khiến mái nhà của họ đổ sập. Một thanh xà rơi xuống, che chắn cho Safia khỏi đống đổ nát sụp xuống.
“Khi tôi trèo ra ngoài, tôi thấy làng mình đã bị phá hủy. Mọi người tụ lại thành nhóm để giúp các nạn nhân thoát ra ngoài”, Abdulhanan Wazir, ông nội của Safia, cho biết. “Các nhà thờ Hồi giáo ở những làng lân cận thông báo cho mọi người biết nơi cần đến để nhận giúp đỡ”.
Khi chôn cất cho người thân, ông đếm được hàng trăm gia đình khác cũng đang phải an táng cho người thân yêu.
Vị trí của trận động đất hôm 22/6. Đồ họa: BBC. |
Tâm chấn của trận động đất nằm ở khu vực miền núi Afghanistan, gần biên giới với Pakistan - cách thành phố Khost khoảng 44 km, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Đây là trận động đất chết chóc nhất ở nước này trong 2 thập niên, đồng thời là thảm họa thiên nhiên lớn đầu tiên kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào mùa hè năm ngoái, sau khi quân đội Mỹ rút đi.
Maulawi Sharafuddin Muslim - quyền Thứ trưởng cơ quan quản lý thiên tai Afghanistan - cho biết "một số ngôi làng đã bị phá hủy hoàn toàn". Ông nói chính quyền đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp, trong đó thủ tướng Afghanistan đang chỉ đạo điều phối nỗ lực cứu hộ và cứu trợ.
Giới chức sẽ phân bổ 11 triệu USD, trong đó gia đình có người thiệt mạng sẽ nhận 1.000 USD, và mỗi người bị thương nhận 500 USD.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Taliban nói rằng Afghanistan hoan nghênh sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế. “Chúng tôi khuyến khích tất cả cơ quan cứu trợ cử thành viên đến khu vực bị ảnh hưởng ngay lập tức để có thể ngăn chặn thảm họa tiếp theo”, ông viết.
Thủ lĩnh tối cao của Taliban - Haibatullah Akhundzada - kêu gọi “cộng đồng quốc tế và tất cả tổ chức nhân đạo giúp đỡ những người Afghanistan bị ảnh hưởng bởi thảm kịch lớn này”. Đây là động thái hiếm hoi của người đứng đầu Taliban bởi ông hầu như không bao giờ xuất hiện trước công chúng.
“Chúng tôi cầu xin thượng đế cứu những người nghèo khỏi những thử thách và đau đớn”, ông nói trong một tuyên bố do người phát ngôn Taliban đưa ra.
Khẩn cấp phân bổ nguồn lực viện trợ
Tại cuộc họp báo hôm 22/6 ở New York, Ramiz Alakbarov - điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan - cho biết Liên Hợp Quốc đã phân bổ 15 triệu USD để giúp đất nước đối phó với cuộc khủng hoảng.
Ông nói thêm Liên Hợp Quốc đang tìm cách phân phát các gói viện trợ cho những gia đình phải di dời vì trận động đất, nhưng trách nhiệm của giới chức là phải có trách nhiệm gây dựng lại cơ sở hạ tầng.
Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) thông báo họ đã huy động nhân viên đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Paktika và Khost.
“Hiện tại, trọng tâm là hoạt động tìm kiếm và cứu hộ để phát hiện những người sống sót”, thông báo ghi. "Chúng tôi lo ngại khả năng nhiều người ở vùng xa xôi sẽ không qua khỏi nếu không được tiếp cận ngay lập tức”.
Dân làng Afghanistan thu dọn đồ đạc dưới đống đổ nát ở huyện Spera, phía tây nam tỉnh Khost hôm 22/6. Ảnh: AP. |
Amir Hakim Tanai, quan chức của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ở Afghanistan, cho biết các nhân viên của cơ quan này đang trên đường tới hỗ trợ, trong khi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã cử đội y tế và dinh dưỡng lưu động để sơ cứu cho người bị thương.
Rất ít quốc gia công nhận chính quyền Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền hồi tháng 8/2021. Taliban đã áp dụng nhiều hạn chế lên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, khiến Afghanistan gần như cô lập với cộng đồng quốc tế và không được nhận viện trợ nước ngoài.
Nghèo đói và hạn hán dai dẳng khiến hàng triệu sinh mạng gặp rủi ro. Báo cáo hồi tháng 5 của Liên Hợp Quốc cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đang gia tăng và gần một nửa dân số Afghanistan không đủ ăn.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang làm việc với các đối tác nhân đạo để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và nguồn cung khác cho Afghanistan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “trận động đất ở Afghanistan là thảm kịch lớn, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất thảm khốc. Chúng tôi xin chia buồn với những mất mát và khó khăn mà người Afghanistan tiếp tục phải đối mặt”.
Tâm chấn của trận động đất hôm 22/6 cách nơi xảy ra trận động đất năm 2008 khoảng 300 km về phía đông bắc. Trận động đất năm 2008 đã khiến 166 người thiệt mạng.
Theo Trung tâm Giám sát Địa chấn Quốc gia Pakistan, người sống ở Ấn Độ và Islamabad, thủ đô của Pakistan, có thể cảm nhận được rung lắc.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif viết trên Twitter rằng ông "cực kỳ đau buồn" trước thảm họa này.
“Người dân Pakistan chia sẻ nỗi đau và nỗi buồn với những người anh em Afghanistan", ông viết, đồng thời cho biết thêm chính phủ Pakistan cũng đang làm việc để hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng.