Theo Wall Street Journal, số phận của Twitter đã thay đổi vào ngày 22/4.
Trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), tỷ phú Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - cam kết bỏ 21 tỷ USD tiền túi, 13 tỷ USD vay ngân hàng và 12,5 tỷ USD vay ký quỹ từ các tổ chức tài chính khác để mua lại Twitter.
Musk từng bị cho là sẽ không đủ tiền cho thương vụ mua lại Twitter. Tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía cổ đông. Nhưng tình thế đã thay đổi theo từng giờ.
Trụ sở của Twitter ở San Francisco. Ảnh: Bloomberg. |
Thương vụ chấn động
Giới quan sát từng dự đoán Twitter sẽ từ chối lời đề nghị mua lại của Musk. Mức giá mua lại 54,2 USD/cổ phiếu thấp hơn nhiều so với ngưỡng cao gần 80 USD/cổ phiếu của Twitter hồi năm ngoái.
Nhưng trong cuộc gặp mặt hôm 24/4, hội đồng quản trị của Twitter đã bỏ phiếu ủng hộ tham gia thương lượng. Các cố vấn của hãng bắt đầu cân nhắc đề nghị của vị tỷ phú công nghệ. Đến ngày 25/4, hội đồng quản trị Twitter tuyên bố đồng ý với lời đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ USD từ Elon Musk.
Giờ đây, Musk đối mặt với những thách thức mới. Ông dùng khoảng 60 tỷ USD cổ phiếu Tesla - tương đương 1/3 cổ phần - làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Điều này có nghĩa là Musk đã gắn tài sản cá nhân với Twitter.
Musk còn cần 21 tỷ USD tiền mặt. Điều này có nghĩa là vị tỷ phú công nghệ sẽ phải bán thêm cổ phần tại Tesla. Giá trị vốn hóa thị trường của Tesla vừa bốc hơi khoảng 126 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu hãng xe điện giảm 12% trong phiên giao dịch hôm 26/4.
Twitter còn phải gánh hàng trăm triệu USD tiền lãi hàng năm. Đó là rủi ro cho mọi công ty, nhưng riêng trong trường hợp này, Musk từng khẳng định ông không quan tâm liệu Twitter có kiếm ra tiền hay không.
Thêm vào đó, bằng việc loại bỏ kiểm duyệt nội dung, Musk có thể đẩy Twitter vào cuộc tranh luận về tự do ngôn luận và an toàn trên mạng.
Elon Musk mua lại Twitter dù từng cáo buộc nền tảng này "không tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận". Ảnh: Bloomberg. |
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 4/4, khi Musk nắm giữ 9,2% cổ phần của Twitter và trở thành cổ đông lớn nhất sau khi mua khoảng 73,5 triệu cổ phiếu của nền tảng mạng xã hội này.
Việc nắm giữ cổ phần dưới 10% trong một công ty được coi là cổ đông "thụ động". Nhưng điều này báo hiệu rằng Musk đang muốn đóng vai trò tích cực hơn trong cách vận hành của Twitter.
Đến ngày 10/4, Giám đốc điều hành Parag Agrawal của Twitter thông báo CEO Tesla đã quyết định không tham gia hội đồng quản trị của mạng xã hội này. Giới quan sát cho rằng Musk từ chối tham gia hội đồng quản trị vì không muốn bị hạn chế về số lượng cổ phiếu có thể nắm giữ.
Nhưng Musk vẫn âm thầm lên kế hoạch để thâu tóm Twitter. Đến ngày 14/4, ông đề nghị mua lại với giá 54,2 USD/cổ phiếu.
Xoay xở vốn bằng cách nào?
Đề nghị của Musk không hề đề cập đến cách huy động tiền để mua Twitter. Đó là một phần trong kế hoạch của ông, khiến ban đầu, Twitter và thị trường tin rằng thương vụ sẽ không thể thành công.
Hành động của Musk khiến thị trường nhớ lại hồi năm 2018, ông đăng tweet rằng cổ phiếu Tesla đã được đảm bảo để tư nhân hóa với giá 420 USD/cổ phiếu. Nhưng chẳng có bất cứ thỏa thuận nào xảy ra. Còn Musk phải trả 20 triệu USD tiền phạt cho cơ quan quản lý.
Thoạt nhìn, mức giá 54,2 USD/cổ phiếu có vẻ không mấy hấp dẫn đối với các cố vấn của Twitter. Một trong những nền tảng mạng xã hội hàng đầu đã được nhiều công ty cân nhắc mua lại, bao gồm các công ty có nguồn vốn lớn như Salesforce.
Hội đồng quản trị của công ty đã nhanh chóng thông qua kế hoạch về quyền cổ đông có thời hạn, thường được gọi là "liều thuốc độc". Kế hoạch này nhằm ngăn bất kỳ tổ chức, cá nhân hoặc nhóm nào giành được quyền kiểm soát Twitter thông qua tích lũy cổ phiếu trên thị trường.
Bước ngoặt xảy ra vào hôm 21/4, khi tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết đã huy động đủ tiền từ các ngân hàng như Morgan Stanley, Barclays PLC và Bank of America Corp. Điều này tạo sự tín nhiệm cho giá thầu và xóa bỏ mọi lời chỉ trích nhắm vào thương vụ.
Cụ thể, Musk sẽ chi 21 tỷ USD tiền mặt, vay mua lại 13 tỷ USD từ các ngân hàng như Morgan Stanley (3,5 tỷ USD, Barclays (2,7 tỷ USD), Bank of America (2,7 tỷ USD) và vay ký quỹ bằng cổ phiếu Tesla 12,5 tỷ USD của Morgan Stanley (2 tỷ USD), Bank of America (1,5 tỷ USD), Barclays (1,5 tỷ USD), MUFG (1,5 tỷ USD)...
Tỷ phú Elon Musk sẽ chi 21 tỷ USD tiền mặt, vay mua lại 13 tỷ USD từ các ngân hàng. Ảnh: Wall Street Journal. |
Các cổ đông Twitter bắt đầu lo ngại rằng lời đề nghị của Musk có thể đã là mức giá tốt nhất. Khoản vốn có sẵn cũng làm gia tăng áp lực, buộc hội đồng quản trị của Twitter phải cân nhắc một cách nghiêm túc.
Không có bất cứ người mua tiềm năng nào xuất hiện sau khi Musk đưa ra giá thầu. Các chủ ngân hàng của Twitter cho rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, trong trường hợp xấu nhất, giá có thể rơi xuống dưới 54,2 USD/cổ phiếu.
Còn Musk cho biết vẫn giữ nguyên mức giá mua lại 100% số cổ phiếu của Twitter "cuối cùng và tốt nhất" ở mức 54,2 USD/cổ phiếu. Đến ngày 25/4, Twitter đã đồng ý đề nghị mua lại từ tỷ phú giàu nhất thế giới.
Tại cuộc họp với toàn thể nhân viên chiều ngày 25/4, Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal cho biết không có kế hoạch sa thải bất cứ nhân viên nào. Ông khẳng định những ưu tiên của công ty vẫn sẽ được giữ nguyên trước khi thỏa thuận được hoàn thành.
Khi được hỏi về khả năng ông Trump trở lại Twitter, ông Agrawal thừa nhận rằng họ không rõ tương lai của Twitter sẽ ra sao sau khi được Musk tiếp quản.