Đây là ước tính của tổ chức Informa Connect Academy, dựa trên việc tài sản của ông chủ hãng sản xuất ôtô điện Tesla, công ty tên lửa tư nhân SpaceX và nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) tăng trưởng với tốc độ trung bình 110% mỗi năm.
Tính đến ngày 9/9, chỉ số Bloomberg Billionaires Index ghi nhận Elon Musk là người giàu nhất hành tinh, nắm trong tay 237 tỷ USD, bỏ xa người đứng thứ 2 là tỷ phú công nghệ, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, người đang sở hữu 195 tỷ USD.
Có một điều bất ngờ trong phân tích của Informa Connect Academy. Tổ chức này đánh giá nhà sáng lập, chủ tịch tập đoàn Adani Group, Gautam Adani (Ấn Độ) có khả năng trở thành người thứ 2 đạt được danh hiệu nghìn tỷ phú. Điều đó sẽ xảy ra vào năm 2028 nếu tốc độ tăng trưởng tài sản hàng năm của ông vẫn ở mức 123%.
Jensen Huang, CEO của công ty công nghệ Nvidia và Prajogo Pangestu, ông trùm năng lượng và khai khoáng người Indonesia, cũng có thể trở thành những người sở hữu tài sản nghìn tỷ USD vào năm 2028 nếu quỹ đạo tăng trưởng của họ vẫn giữ vững.
Trong khi đó, Bernard Arnault, ông chủ của LVMH, người giàu thứ 3 thế giới, đang trên đà đạt được 1.000 tỷ USD vào năm 2030 - cùng năm với Mark Zuckerberg, CEO Meta.
Hiện nay có một số ít công ty được giá hơn 1.000 tỷ USD. Cuối tháng 8, Berkshire Hathaway chạm đến mốc khổng lồ này trước thời điểm sinh nhật lần thứ 94 của nhà sáng lập Warren Buffett.
Nvidia gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ USD vào tháng 5/2023 và đạt 3.000 tỷ USD vào tháng 6 vừa qua, chỉ đứng sau Microsoft và xếp trên cả Apple tại thời điểm đó.
Theo CNBC, vấn đề ai là người đầu tiên trên thế giới sở hữu nghìn tỷ USD được chú ý kể từ khi thế giới có tỷ phú đầu tiên vào năm 1916. Đó là ông vua dầu mỏ người Mỹ John D Rockefeller, nhà sáng lập và là cổ đông lớn nhất tại thời điểm đó của Standard Oil.
Ngược lại với sự hào hứng đó, nhiều học giả coi việc tích lũy của cải khổng lồ là vấn đề xấu đối với xã hội. Một báo cáo tính toán rằng 1% người giàu nhất hành tinh tạo ra nhiều carbon hơn so với 66% người nghèo nhất.
Chỉ vài ngày trước khi Informa Connect Academy chọn Musk là người có nhiều khả năng trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới, một bài đăng của ông trên X, bình luận về hành động diệt chủng của Đức Quốc xã, bị nhiều người dùng phản ứng dữ dội. Không lâu sau đó Elon Musk xóa bài viết này.
Elon Musk khi thiết kế Cybertruck: 'Đừng trái ý tôi!'
Trong cuốn Tiểu sử Elon Musk Musk, tác giả Walter Isaacson đưa người đọc đến những câu chuyện đằng sau vị tỷ phú phức tạp, như cách ông cùng lúc điều hành loạt doanh nghiệp Tesla, SpaceX và Twitter. Nguồn cảm hứng để thiết kế ra chiếc xe Cybertruck cũng được nhắc đến. Việc Elon Musk kiên định với thiết kế lạ lùng của mẫu xe bán tải, thậm chí đến mức cực đoan, cho thấy tính cách của vị tỷ phú.
Giới đầu tư nhận quả đắng vì tin tưởng Elon Musk
Elon Musk mua Twitter bằng tiền của chính mình, các khoản vay ngân hàng và vốn huy động từ bạn bè cùng cộng sự. Sau hai năm, định giá cổ phần của mạng xã hội đã giảm tới hơn 70%.
Pavel Durov, Elon Musk có nên ngồi tù vì nội dung trên X, Telegram?
Việc buộc tội nhà sáng lập Telegram là minh chứng cho thấy trách nhiệm pháp lý của các CEO công nghệ đã thay đổi. Khi các cơ quan quản lý siết luật, liệu kỷ nguyên “miễn trừ” cho các nhà lãnh đạo công nghệ có đang dần khép lại?
Elon Musk nói gì sau khi CEO Telegram bị bắt
Vị tỷ phú đã bảo vệ CEO Telegram Pavel Durov sau khi ông bị bắt ở Pháp, nói vụ bắt giữ là vi phạm quyền tự do ngôn luận.