Theo dữ liệu của Bloomberg Billionaire Index, trong một ngày, CEO hãng xe điện Tesla mất 12,6 tỷ USD. Tài sản ròng giảm còn 164 tỷ USD. Trong khi đó, doanh nhân người Pháp bỏ túi 2,98 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản ròng lên 211 tỷ USD.
Cuối năm 2021, Musk là tỷ phú đầu tiên sở hữu 300 tỷ USD. Thời điểm đó, ông vượt xa người giàu thứ nhì thế giới là Jeff Bezos với khoảng cách lên tới hơn 100 tỷ USD.
Theo Dow Jones Market Data, khối tài sản mà Musk nắm giữ lớn hơn hầu hết giá trị vốn hóa thị trường của các công ty, ngoại trừ 21 tập đoàn nằm trong S&P 500.
Tài sản của top 5 người giàu nhất thế giới | ||||||
Dữ liệu: Bloomberg Billionaire Index | ||||||
Nhãn | Bernard Arnault | Elon Musk | Jeff Bezos | Bill Gates | Warren Buffett | |
Tài sản | 211 | 164 | 128 | 122 | 114 | |
Biến động trong năm 2023 | 48.6 | 26.8 | 20.9 | 13 | 6.66 |
Tình thế đảo ngược
Nhưng tình hình đã bị đảo ngược kể từ năm ngoái. Tài sản của Musk tăng 26,8 tỷ USD trong năm nay, nhưng vẫn xa mốc 300 tỷ USD.
Hơn nữa, trong 24 giờ qua, tài sản của Musk giảm mạnh vì báo cáo tài chính đáng thất vọng của Tesla trong quý I. Điều này kích hoạt làn sóng bán tháo đối với mã này, khiến gần 13 tỷ USD bốc hơi khỏi tài sản ròng của ông chủ hãng xe điện.
Theo đó, doanh thu của Tesla đạt 23,33 tỷ USD trong quý I, cao hơn một chút so với ước tính 23,21 tỷ USD của giới quan sát. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2,51 tỷ USD.
Theo CNBC, trong cuộc họp cổ đông, Tesla thừa nhận rằng việc "khai thác các nhà máy mới kém hiệu quả" đã chèn ép lợi nhuận. Cùng với đó là chi phí bảo hành, nguyên vật liệu, hàng hóa và hậu cần gia tăng.
Lợi nhuận của Tesla giảm mạnh vì việc khai thác các nhà máy mới kém hiệu quả. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tín dụng carbon sụt giảm. Tất cả đều góp phần làm giảm lợi nhuận của tập đoàn.
Cổ phần của Musk tại Tesla - bao gồm cổ phiếu và các hợp đồng quyền chọn - đóng góp nhiều nhất vào tài sản của ông, trị giá 163,9 tỷ USD.
Mọi thứ không dừng lại ở đó. Công ty hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa Starship đầu tiên, nhưng sau khi rời khỏi bệ phóng được 4 phút, tên lửa bắt đầu lộn nhào và lao thẳng xuống Vịnh Mexico.
Còn trên Twitter, hàng triệu người dùng đã bị xóa dấu tick xanh vì không trả phí 8 USD/tháng.
Tài sản của tỷ phú hàng hiệu tăng mạnh
Trong khi đó, Bernard Arnault là tỷ phú thứ 3 sở hữu 200 tỷ USD, sau Elon Musk và Jeff Bezos. Khi triển vọng kinh tế xấu đi, lãi suất và lạm phát tăng cao trên toàn cầu, các startup công nghệ lao đao, nhưng nhu cầu đối với những mặt hàng xa xỉ vẫn ổn định.
Năm ngoái, tập đoàn LVMH của Arnault đạt doanh thu 79,2 tỷ euro. Trong đó, Louis Vuitton được coi là con gà đẻ trứng vàng với doanh thu hơn 20 tỷ euro, chiếm hơn 25% tổng doanh thu của tập đoàn.
Bước sang quý đầu tiên của năm nay, gã khổng lồ hàng xa xỉ ghi nhận doanh thu 21 tỷ euro, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn - gỡ bỏ các hạn chế chống dịch đã giúp thúc đẩy doanh thu của LVMH.
Các nhãn hàng xa xỉ trên toàn cầu đều đang trông chờ vào sự trở lại của thị trường Trung Quốc. Họ mong đợi giới siêu giàu nước này sẽ lên máy bay, đến Paris, Milan để "mua sắm trả thù" khi những hạn chế được gỡ bỏ sau nhiều năm.
Đến nay, đà phục hồi tại nước này đang rất hứa hẹn. Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBC) công bố, GDP nước này đã tăng trưởng 4,5% trong 3 tháng đầu năm 2023, cao hơn nhiều so với dự báo 4% của các chuyên gia được Reuters khảo sát.
Đây là mức tăng cao nhất của một quý trong vòng 3 năm trở lại đây, tăng mạnh từ mức 2,9% trong quý IV/2022.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.