Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Salvador Nayib Bukele hôm 3/12 trong chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Mỹ tới Bắc Kinh kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào mùa hè này, theo AFP.
"Chủ tịch Tập Cận Bình vừa trao cho El Salvador sự hợp tác khổng lồ, không hoàn lại, được quản lý hoàn toàn bởi chính phủ của chúng ta", ông Bukele viết trên Twitter vào cuối ngày 3/12, thông báo các dự án, bao gồm một sân vận động "hiện đại" có sức chứa lớn.
Hai nước đã ra tuyên bố chung cho biết Bắc Kinh cũng sẽ trả tiền xây dựng hai dự án cấp nước, cũng như "tái thiết và mở rộng" khu du lịch "Thành phố Lướt sóng" và bến tàu La Libertad dọc theo bờ biển El Salvador.
Các quan chức cũng đã ký các thỏa thuận về hợp tác kinh tế và kế hoạch tạo thuận lợi cho khách du lịch Trung Quốc đến El Salvador.
Tổng thống Salvador Nayib Bukele và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 3/12 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đã tăng cường đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong những năm gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng các quốc gia được hưởng lợi từ các khoản vay mà Bắc Kinh hỗ trợ có nguy cơ rơi vào nợ nần.
Song ông Bukele nói trong một loạt tweet khác hôm 4/12 rằng "một số đối thủ" đã cố tấn công các thỏa thuận đã ký với Trung Quốc, "cho rằng đó là một 'bẫy nợ'".
"Phần nào của cụm từ 'không hoàn lại' mà họ không hiểu? Đó không phải là một khoản vay, mà là một khoản đóng góp", ông nói.
El Salvador đã công nhận Bắc Kinh vào tháng 8/2018, trở thành quốc gia thứ ba cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào năm đó, sau Cộng hòa Dominica và Burkina Faso.
Vào tháng 9 năm nay, quốc đảo nhỏ bé Kiribati đã chuyển sang công nhận Bắc Kinh chỉ bốn ngày sau khi Quần đảo Solomon thực hiện động thái tương tự, khiến Đài Loan chỉ còn 15 quốc gia có quan hệ ngoại giao.
Trung Quốc và Đài Loan đã được điều hành bởi hai chính quyền riêng biệt kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến ở đại lục năm 1949, nhưng Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ họ sớm muộn sẽ thu hồi, kể cả bằng vũ lực.
Trong nhiều năm, Đài Loan và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến ngoại giao ở các nước đang phát triển. Những khoản hỗ trợ kinh tế và viện trợ thường được sử dụng như chiêu bài mặc cả để lôi kéo các nước thiết lập quan hệ ngoại giao.