Tổng thống Ecuador Lenin Moreno ngày 12/10 đặt thủ đô Quito và các vùng xung quanh dưới tình trạng giới nghiêm và kiểm soát quân sự. Phong trào biểu tình chống chính phủ vì các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" bước sang ngày thứ 11, theo AFP.
Lệnh giới nghiêm sẽ "tạo điều kiện cho công chức làm việc trước sự bùng phát bạo lực không thể dung thứ", ông Moreno tuyên bố trên Twitter.
"Tôi đã yêu cầu Bộ chỉ huy Liên hợp Lực lượng Vũ trang lập tức tiến hành các biện pháp và hành động cần thiết", ông Moreno nói trong một tuyên bố trên truyền hình toàn quốc, bên cạnh Phó tổng thống Otto Sonnenholzner và Bộ trưởng Quốc phòng Oswaldo Jarrin.
Tổng thống Lenin Moreno (giữa) hôm 8/10. Ảnh: Reuters. |
Những biện pháp mới nhất ở Quito, thành phố 2,7 triệu dân, được ban hành sau khi ông Moreno ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 3/10. Lúc đó, chính phủ đã triển khai khoảng 75.000 binh sĩ và cảnh sát, đồng thời áp đặt giới nghiêm vào ban đêm xung quanh các tòa nhà chính quyền.
Bạo lực tiếp diễn ở Quito hôm 12/10, thậm chí sau khi một nhóm thổ dân - vốn dẫn dắt các cuộc biểu tình vì giá nhiên liệu tăng - đã chấp nhận đề nghị đối thoại trực tiếp với ông Moreno.
Trong tuyên bố, ông Moreno cảm ơn nhóm thổ dân vì đồng ý đàm phán, nhưng không nói việc này sẽ diễn ra khi nào và ở đâu.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng ông sẽ khôi phục "trật tự trên toàn Ecuador" trong lúc hàng nghìn người tràn xuống những con đường ở Quito.
Họ cướp phá và phóng hỏa tòa nhà có văn phòng tổng kiểm toán nhà nước. Gần đó, người biểu tình dựng lên rào chắn trước trụ sở quốc hội, đối đầu với cảnh sát xịt hơi cay vào họ.
Một đài truyền hình và một tòa soạn báo cũng bị tấn công. Teleamazonas TV đã phải dừng phát sóng chương trình thông thường để chiếu hình ảnh cửa vỡ, xe bị đốt và cảnh sát dày đặc tại hiện trường nhà đài. Trong khi đó, báo El Comercio cho biết họ bị tấn công bởi "một nhóm người lạ mặt".
Các lãnh đạo biểu tình phủ nhận liên quan đến những vụ tấn công vào đài truyền hình hay văn phòng tổng kiểm toán.
Người biểu tình trên đường phố Quito hôm 12/10. Ảnh: Reuters. |
Đến nay, các cuộc biểu tình đã khiến 6 người chết và gần 2.100 người bị thương.
CONAIE, tổ chức đại diện cho các nhóm thổ dân chiếm 1/4 dân số 17,3 triệu người của Ecuador, hôm 12/10 cho biết họ đồng ý đàm phán với chính phủ ông Moreno, sau khi bác bỏ đề nghị một ngày trước.
Các nhóm thổ dân, sống trong điều kiện thiếu thốn trong rừng Amazon hay trên núi Andes, đòi ông Moreno khôi phục việc trợ giá nhiên liệu mà ông đã chấm dứt vào tuần trước. Việc chấm dứt này là một phần trong thỏa thuận để chính phủ Ecuador có được khoản vay 4,2 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Giá nhiên liệu đã tăng hơn gấp đôi từ ngày 3/10.
Bạo lực đã buộc ông Moreno di dời chính phủ đến Guayaquil, thành phố lớn thứ hai Ecuador, cũng như khiến ngành dầu mỏ nước này gặp khó khăn khi Bộ Năng lượng phải tạm dừng hơn 2/3 phân phối dầu thô. Người biểu tình đã chiếm giữ 3 cơ sở dầu mỏ ở Amazon trong tuần này.