Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nêu quan điểm với báo chí về vấn đề tăng lương tối thiểu.
Theo ông Thắng, việc tăng lương là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu và mong muốn đương nhiên của người lao động. Thực ra, đã có quy định về lộ trình nâng lương tối thiểu. Hiện nay, Hội đồng Tiền lương đang có ý kiến khác nhau.
Cụ thể, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 11,11%, thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đưa ra ở mức 4-5%.
Ảnh minh họa.
|
Theo ông Thắng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu ở mức cao hơn, bởi họ đứng về người lao động nhiều hơn. Còn VCCI đề nghị mức tăng thấp hơn, bằng khoảng một nửa so với Tổng liên đoàn. VCCI có khía cạnh đứng về phía doanh nghiệp.
“Trong trường hợp tăng lương, tôi cho rằng mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn luôn tồn tại. Người lao động muốn được trả nhiều hơn, xứng đáng với công sức của mình hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Trong khi đó, người sử dụng lao động muốn trả các chi phí liên quan đến quá trình sản xuất, trong đó có lương cho người lao động, ở mức thấp nhất. Đây là mâu thuẫn luôn luôn tồn tại trong quá trình phát triển”.
Do vậy, theo đại biểu này, làm sao để người lao động có mức tăng lương thỏa đáng, đáp ứng được cuộc sống, đồng thời phù hợp với việc phát triển, tồn tại lâu dài của doanh nghiệp để họ tạo ra lao động, của cải cho xã hội cần có những tính toán cụ thể.
Đại biểu Thắng cho rằng, nên căn cứ và tính đến các yếu tố như tốc độ trượt giá, tăng giá tiêu dùng, biến động của thị trường lao động, thu nhập của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp để có mức tăng phù hợp.
“Thực tế qua tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ lạm phát đã bắt đầu tăng. Do đó việc phải tăng lương cho người lao động là việc dứt khoát phải làm, bởi vì đã có lộ trình”, ông Thắng nêu quan điểm.
Ông Thắng chia sẻ thêm, những năm vừa qua mức tăng tiền lương và BHXH của Việt Nam tăng theo tỷ lệ phần trăm so với các nước trong khu vực có thể là nhiều; nhưng lương và thu nhập của người lao động được hưởng, nếu so sánh quy đổi thì không phải là cao.
“Việc tăng đó cũng phù hợp để mức lương và thu nhập của người lao động tiệm cận với mặt bằng chung của các nước xung quanh, có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự.
Tuy nhiên, việc tăng phải tính toán sao cho phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, thu nhập phù hợp và thỏa đáng ở mức độ nhất định để họ có cuộc sống ổn định; đồng thời đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội dệt may lại kiến nghị xem xét phương án không tăng lương tối thiểu để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo hiệp hội này, “ăn đong” là tình trạng của nhiều doanh nghiệp dệt may trong năm nay. Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan của thị trường thế giới, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, biến động lao động trong ngành dệt may có ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Theo thống kê của Hiệp hội, hiện tiền lương và tiền bảo hiểm xã hội đang chiếm khoảng 72% giá thành nên nếu chi phí lao động tiếp tục tăng cao, dẫn đến giá tăng và làm giảm sức cạnh tranh của dệt may Việt.
Trong khi Hiệp định TPP chưa có hiệu lực, dệt may Việt đang phải cạnh tranh với các quốc gia như Bangladesh, Campuchia hay Trung Quốc. Nhưng khác biệt trong chính sách tiền lương với các quốc gia này đang gây khó cho doanh nghiệp trong nước.