Chiều 24/4, trả lời báo chí tại cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Internet đến Việt Nam từ 29/11/1997, đem lại nhiều tiện ích và trở thành dịch vụ thiết yếu, hàng ngày. Internet không thể thiếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã đặt ra thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Cáp quang biển bị đứt liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ Internet cung cấp cho khách hàng, thế nhưng chưa có nhà mạng nào lên tiếng xin lỗi cũng như có phương án bù đắp thiệt hại cho khách hàng. |
Hiện nay, chúng ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng đường truyền độc lập, mà phải liên doanh, liên kết tuyến cáp quang biển với các nước. Thời gian qua, có những tác nhân ảnh hưởng, tác động đến đường truyền này. Nguyên nhân do con người như các hoạt động trên biển của tàu bè, lưới cào của ngư dân vướng phải, thậm chí một số nước còn đề phòng hành động phá hoại. Tất cả những tình huống này khiến chúng ta phải nâng cao cảnh giác bảo vệ cáp quang nói riêng cũng như hạ tầng thông tin nói chung.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Bộ TT&TT đã yêu cầu các tập đoàn gia cố cáp quang ở vùng biển của mình cũng như vùng biển liên kết với nước ngoài, đồng thời phải xây dựng những tuyến cáp quang mới. Dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập Internet của người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc. VNPT đang triển khai 2 tuyến mới sẵn sàng cung cấp thêm dung lượng đi quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng: “Đứt cáp quang là bất khả kháng. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ đứt đoạn thì nhà cung cấp dịch vụ phải có lời xin lỗi và thông báo với người tiêu dùng. Nếu là điều kiện bất khả kháng thì khách hàng chia sẻ với người cung cấp dịch vụ. Chúng tôi sẽ tiếp thu và khuyến cáo đến các nhà mạng, không chỉ chuyện cáp quang biển, kể cả dịch vụ, ví dụ như nghẽn mạng, cũng phải có lời xin lỗi đến khách hàng. Đó là văn hóa cần thiết trong kinh doanh”.
Ngày 23/4, tuyến cáp quang biển AAG lại bị đứt gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet cung cấp cho khách hàng. Đây là lần thứ 2 trong năm 2015, tuyến cáp AAG bị đứt. Trước đó, vào lúc 8h05 ngày 5/1, trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đã xảy ra sự cố bất ngờ, gây sụt giảm dung lượng hơn 110G hướng đi Hồng Kông, 30G hướng đi Mỹ và một số kênh 2.5G hướng đi Singapore, Nhật Bản của VNPT.
Trong năm 2014, tuyến cáp quang biển AAG liên tục đứt khiến Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực trạng trên đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tính đến phương án kết nối khác nhằm đảm bảo hạn chế tối đa những sự cố đứt cáp quang biển ảnh hướng lớn đối với sử dụng dịch vụ.
Cho dù cáp quang biển bị đứt liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ Internet cung cấp cho khách hàng. Thế nhưng, đến thời điểm này chưa có nhà mạng nào lên tiếng xin lỗi cũng như có phương án bù đắp thiệt hại cho khách hàng.