Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường vòng thâu tóm ví điện tử của đại gia ngoại

Dù đã thâu tóm hàng loạt ví điện tử, việc Ngân hàng Nhà nước có thể siết tỷ lệ sở hữu tại trung gian thanh toán xuống 49% khiến nhiều nhà đầu tư ngoại tìm phương án đường vòng.

Các thương vụ thâu tóm chưa dừng lại

Nguồn tin từ Reuters cho hay Alibaba - ông lớn thương mại điện tử của Trung Quốc - đang rót vốn mua lại lượng lớn cổ phần eMonkey (eM), ví điện tử của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và công nghệ M-Pay. Ít ai để ý, đầu tháng 11, Lazada.vn - trang thương mại điện tử của Alibaba tại Việt Nam - cũng thông báo ra mắt ví điện tử của mình mang tên eMonkey.

Cũng như nhiều thương vụ khác, tỷ lệ sở hữu của Alibaba tại eM không được tiết lộ. Nguồn tin của Reuters nhận định tỷ lệ sở hữu của Alibaba tại eM không quá 49%. Tuy nhiên, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết trên thực tế, Alibaba sẽ nắm quyền quyết định tại ví điện tử này.

Như vậy, cả hai “ông trùm” thanh toán điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent đều đã có mặt tại Việt Nam, chưa kể nhiều nhà đầu tư sừng sỏ khác. Ngoài ra, các tân binh mới vẫn nhăm nhe tìm cách gia nhập thị trường.

vi dien tu anh 1
Cả 2 “ông trùm” thanh toán điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent đều đã có mặt tại Việt Nam, chưa kể nhiều nhà đầu tư sừng sỏ khác.

Trước đó, Moca đã bán cổ phần cho Grab, Airpay bán 30% cổ phần cho Sea Limited - công ty có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Tencent, đối thủ của Alibaba. Standard Chartered Private Equity (SCPE), Goldman Sachs, Warburg Pincus nắm phần lớn vốn của Momo. True Money (Thái Lan) nắm giữ 90% vốn 1Pay. Payoo bán 64% vốn cho Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản)…

Sự tham gia dồn dập của các đại gia ngoại với cổ phần chi phối không chỉ gây ra nguy cơ thao túng thị trường, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, mà còn có thể làm thui chột sự sáng tạo của các fintech trong nước.

Cũng như ứng dụng gọi xe, ví điện tử là một cuộc chơi tốn kém, nhà đầu tư phải “đốt tiền” mới có thể lôi kéo được người dùng. “Đấu” với các đại gia ngoại trường vốn, các ví điện tử nội địa non trẻ có nguy cơ bị bóp chết từ trong trứng nước, Mobile Money chưa kịp hình thành cũng rất khó để cạnh tranh.

Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến dự định siết room sở hữu vốn ngoại tại trung gian thanh toán về 49% của NHNN, thay vì thả nổi như hiện nay.

Gia tăng thỏa thuận dưới gầm bàn?

Được biết, giấy phép trung gian thanh toán hiện chỉ có thời hạn 10 năm, nhiều ví đã thành lập được 5-6 năm, nghĩa là chỉ còn 4-5 năm nữa. Nếu room sở hữu 49% được áp dụng (có hiệu lực hồi tố), thì để được gia hạn hoạt động, các trung gian thanh toán có tỷ lệ sở hữu vốn ngoại trên 49% phải đưa tỷ lệ này về mức quy định. Đây là lý do nhiều trung gian thanh toán đang tìm cách để lách quy định còn chưa được ban hành này.

Giám đốc một công ty tư vấn tại Hà Nội tiết lộ gần đây, công ty này liên tục nhận được đơn “đặt hàng” của một số đối tác ngoại nhờ tìm đối tác trung gian thanh toán để mua lượng lớn cổ phần, đồng thời tìm hiểu cách thức có thể thâu tóm các ví mà không vi phạm tỷ lệ sở hữu 49%.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, việc “lách” room sở hữu hoàn toàn có thể xảy ra. Cách đơn giản và phổ biến nhất là nhờ người Việt đứng tên công ty, nhà đầu tư nước ngoài cam kết mua cổ phần, cổ phiếu với các điều kiện nhất định hoặc lập hợp đồng ủy thác đầu tư… Song các thỏa thuận hợp tác này không được công bố rộng rãi, chỉ hai bên biết với nhau.

“Có những thương vụ mua bán mà nhà đầu tư ngoại chỉ sở hữu dưới 49%, nhưng kèm theo các ưu đãi khác như cho vay tiền, cho mượn tài sản… Hợp đồng mua bán cũng cam kết về quyền chi phối công ty, tỷ lệ sở hữu cổ tức. Theo đó, dù sở hữu dưới 49% vốn, nhà đầu tư ngoại vẫn có thể nắm quyền sở hữu công ty và phần lớn cổ tức”, ông Đức cho hay.  

Đáng nói, dù chưa bị siết tỷ lệ sở hữu 49%, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ lâu đã tìm được đường vòng để vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp nội địa, khiến rất ít người nhận ra ông chủ thực sự của các ví điện tử.

Câu chuyện Tencent bước chân vào lĩnh vực thanh toán Việt Nam thông qua mua 30% vốn của Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Vietnam Esport, sở hữu ví Airpay) là ví dụ điển hình.

Có lẽ không phải tình cờ, tháng 5/2009, Sea Limited, công ty con của Tencent (tên cũ là Garena) đặt chân vào Việt Nam, thì tháng 6/2019, Vietnam Esport được thành lập với 3 cổ đông người Việt. Năm 2017, các cổ đông lớn của Sea Limited nắm 30% vốn sở hữu của Vietnam Esport, các cổ đông sáng lập của Vietnam Esport đều rút lui. Mặc dù 70% vốn của Vietnam Esport là của hai cổ đông trong nước, nhưng chủ thực sự của Airpay là ai vẫn là câu hỏi lớn.

Rõ ràng, siết sở hữu nhà đầu tư ngoại tại trung gian thanh toán là cần thiết để thị trường thanh toán điện tử phát triển một cách lành mạnh, có kiểm soát. Mặc dù vậy, nếu không kiểm soát được các đường đi của dòng vốn, việc siết room khó mang lại hiệu quả.

Hầu hết ví điện tử có thị phần lớn nhất đã nằm trọn trong tay nhà đầu tư ngoại

Hiện nay, trên thị trường có 32 trung gian thanh toán được NHNN cấp phép với gần 30 ví điện tử đang hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết ví điện tử có thị phần lớn nhất đã nằm trọn trong tay nhà đầu tư ngoại.

Danh sách các trung gian thanh toán bao gồm: Napas, Vnpay, M_Service JSC, BankPay, Vietnam Online, Viet Union Corp, Vietnam Esports, ECPay, Zion, VNPT Pay, Bảo Kim, Vimo, Viet Phu Payment, Công ty TNHH 1TV (VTC), Moca, Ví FPT, M-Pay, OnePay, Wepay, Ngân lượng, 1Pay, VNPT-Media, Vinid Pay, Viettel, Vinatti, Vimass, Smarrt net, Edenred, PayTech, Epay, FinViet, Mecorp.

https://baodautu.vn/duong-vong-thau-tom-vi-dien-tu-cua-dai-gia-ngoai-d113650.html

Thùy Liên/Báo Đầu tư

Bạn có thể quan tâm