Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đường Trường Chinh cong mềm mại'

"Hoàn toàn không có lợi ích cá nhân khi thiết kế xây dựng đường Trường Chinh. Đặt ra câu hỏi này là không có cơ sở", Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định.

Không có lợi ích nhóm

Tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội chiều 8/4, hàng loạt câu hỏi liên tiếp được đặt ra xung quanh câu chuyện "cong - thẳng" của đường Trường Chinh.

Theo Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội Dương Đức Tuấn, quá trình lập đề án xây dựng tuyến đường vành đai 2 (đường Trường Chinh là một đoạn trong tuyến này) diễn ra suốt nhiều năm và công phu với nhiều đơn vị liên quan.

Tuyến đường được thi công dựa trên việc tuân thủ pháp luật về giao thông, xây dựng cũng như xin và tiếp thu ý kiến của Bộ Quốc phòng. 

Theo Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội đường Trường Chinh "cong rất mềm mại".

Trong quá trình thực hiện, các vấn đề kỹ thuật, các điểm vuốt nối để “đảm bảo chuyển động êm thuận” cũng được xem xét kỹ lưỡng.

“Việc lập chỉ giới đường đỏ có thỏa thuận của rất nhiều cơ quan liên quan. Ở đây hoàn toàn không có lợi ích cá nhân khi thiết kế xây dựng. Đặt ra câu hỏi này là không có cơ sở", ông Tuấn khẳng định.

Trao đổi thêm về thông tin lập chỉ giới đường đỏ, vị Phó giám đốc Sở cho hay, chỉ giới hiện tại là lần phê duyệt đầu tiên chứ chưa hề có điều chỉnh gì. Sau khi Bộ Quốc phòng góp ý thì Sở mới thẩm định, sau đó TP lựa chọn.

"Cong chấp nhận được"

Theo giải thích của ông Tuấn, đoạn cong của đường Trường Chinh chỉ đơn giản là "đường cong xử lý đầy kỹ thuật, cho giao thông êm thuận" và “hoàn toàn chấp nhận được”. Cơ quan này đã lựa chọn bán kính cong hơn 600 m, trong khi quy chuẩn quy định bán kính tối đa chỉ là 250 m. Tuyến đường vì thế về cơ bản vẫn thẳng.

"Sở QHKT là cơ quan Nhà nước thẩm định chỉ giới đường đỏ cho đường Trường Chinh. Sở đã làm đúng thẩm quyền, không có tác động điều chỉnh từ thẳng sang cong", ông Tuấn nhấn mạnh.

Vị Phó giám đốc cho biết thêm, phương án được đề xuất ban đầu với Bộ Quốc phòng là thẳng, theo quan điểm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tầm nhìn 2020. Tuy nhiên, đến lúc làm việc thì bộ này không đồng ý và có văn bản yêu cầu TP theo phương án hạ xuống phía nam 20 m. Trong quá trình nghiên cứu này chưa có chỉ giới đường đỏ.

Tuy chỉ giới không thẳng, song TP.Hà Nội khẳng định không có chuyện vì lợi ích nhóm, cá nhân.

Ngoài ra, cũng theo văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng, khi nói về việc mở ra phía Bắc 6 m, Sở QHKT đã tuân thủ ý kiến này. Tuy nhiên khi gặp đoạn vuốt nối hai chỉ giới ngã tư Sở - ngã tư Vọng thì phải vuốt cong, tịnh tiến lên phía bắc 15 m để đảm bảo khớp nối.

“Phương án này được thực hiện theo quy hoạch 1/500, phù hợp với hiện trạng, khả thi, đảm bảo kỹ thuật cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng và tiết kiệm”, Phó giám đốc Sở QHKT nói.

Theo Phó chánh Văn phòng UBND Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh, chỉ giới đường đỏ hiện tại là phương án được duyệt duy nhất nên không thể có chuyện “nắn thẳng thành cong”. Còn trong quá trình xây dựng quy hoạch có nhiều bước, sau khi có quy hoạch chung thì đến phân khu rồi đến chi tiết 1/500.

Chỉ giới đường Trường Chinh lập trên cở sở 1/500, phê duyệt từ 2008 và 6 năm sau mới thực hiện. Trong các năm đó, TP phải lấy ý kiến rộng rãi từ Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, quận, người dân…

“Vì lấy ý kiến cộng đồng nên con đường dự kiến thẳng trong quy hoạch chung ban đầu phải thành cong. Tuy nhiên, đường cong có mức độ và phù hợp tiêu chuẩn đặt ra, phù hợp với tốc độ xe chạy”, ông Thịnh khẳng định.

Nguyễn Vũ - N.H

Bạn có thể quan tâm