Ngủ giữa đường cao tốc, gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào khi lênh đênh trên xuồng quá tải và kiệt sức khi tới bờ là thách thức mà người tị nạn phải đối mặt để đặt chân tới châu Âu.
Dân địa phương trên đảo Lesbos của Hy Lạp đưa tay giúp một người tị nạn Syria sau khi anh nhảy khỏi chiếc xuồng và cố bơi vào bờ hôm 17/9. Trong khi đó, cảnh sát Bảo vệ Bờ biển của Italy cho biết, chỉ trong ngày 19/9, nước này cứu hơn 4.500 người di cư đang lênh đênh trên các con thuyền xuất phát từ Libya hy vọng cập bến châu Âu và xin được tị nạn tại đây. Đoàn người tị nạn được cứu khi di chuyển trên 12 xuồng cao su và 8 thuyền cũ nát và có nguy cơ chìm bất cứ lúc nào do số người trên thuyền quá đông.
Đồ đạc của người di cư gồm phao cứu sinh, xuồng nhỏ và ống thở được chất thành đống trên đảo Lesbos, Hy Lạp, hôm 18/9.
Nhóm người tị nạn Afghanistan và Syria cố bơi về đảo Lesbos khi xuồng của họ hỏng động cơ lúc vượt qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/9.
Một người đàn ông Syria kiệt sức sau chuyến vượt biển nguy hiểm.
Phụ nữ và trẻ em bật khóc khi được đội cứu hộ dẫn lên bờ.
Một người đàn ông vô cùng tức giận khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ chặn nhóm người di cư di chuyển tới gần biên giới Hy Lạp hôm 18/9.
Một phụ nữ bế em bé khi di chuyển gần thành phố Edirne của Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vượt biên qua Hy Lạp. Trong khi đó, giới chức Áo cho hay ngày 19/9, nước này tiếp nhận khoảng 10.000 người di cư sau khi chính quyền Hungary chuyển hàng nghìn người tới biên giới Áo vào đêm 18/9.
Người tị nạn Syria dựng trại trên đường cao tốc gần thành phố Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ, để nghỉ trước khi tiếp tục lên đường tới biên giới Hy Lạp hôm 17/9. Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu đang mức đỉnh điểm khi hàng nghìn người di cư đổ về khu vực biên giới các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) mỗi ngày. Nó ngày càng trở nên tồi tệ sau khi Đức siết chặt kiểm soát tại các cửa ngõ biên giới nước này trong bối cảnh EU chưa tìm được giải pháp chung.
Ngày 18/9, người ta tiếp tục phát hiện thi thể của một bé gái 4 tuổi người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ vài tuần sau thảm kịch của cậu bé Aylan Kurdi gây chấn động.
Các quan chức Hungary tức giận cáo buộc Croatia giúp người di cư Trung Đông vượt qua biên giới chung giữa 2 nước dù Budapest tuyên bố ngừng tiếp nhận dòng người tìm miền đất hứa.