Cục đường sắt Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về tác động của dịch viêm phổi cấp Covid-19 đến hoạt động vận tải đường sắt.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về tác động của dịch bệnh virus corona đến việc khai thác đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo báo cáo của nhà chức trách hàng không, các hãng bay của Việt Nam bị ảnh hưởng ngay tức thì khi tạm dừng khai thác các đường bay đến Trung Quốc, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là 3 hãng Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific.
Tàu liên vận Việt - Trung "đóng băng"
Theo báo cáo của Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội, lượng khách đi tàu trong thời gian có dịch bệnh đã sụt giảm mạnh, doanh nghiệp phải ngừng chạy 6 đôi tàu khách Thống Nhất trong dịp Tết, ngừng chạy 1 đôi tàu SP1/2 trên tuyến Hà Nội - Lào Cai từ 1/2. Doanh thu hành khách tháng 2, 3 dự kiến chỉ đạt 50% so với cùng kỳ.
Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cũng phải ngừng chạy 13 đôi tàu. Từ ngày 25/1 đến 8/2, doanh nghiệp hao hụt 37.000 lượt khách so với cùng kỳ 2019, tương ứng giảm 17,3 tỷ đồng. Doanh thu hành khách tháng 2 dự kiến chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyến tàu liên vận Việt - Trung tối 3/2 chỉ có 2 hành khách. Ảnh: Hải Nam. |
Chịu thiệt hại gần như tuyệt đối là hệ thống đường sắt liên vận quốc tế. Sau khi Bộ GTVT có chỉ đạo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tạm dừng khai thác toàn bộ tàu khách từ ngày 4/2. Doanh nghiệp thiệt hại 20 triệu đồng mỗi ngày do ngừng chạy tàu liên vận.
Dịch viêm phổi cấp Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Luồng hàng liên vận qua cửa khẩu Lào Cai tạm dừng từ ngày 2/2 đến 8/2 khiến 50.000 tấn lưu huỳnh và quặng sắt bị đọng tại Hải Phòng, Lào Cai. Hàng phân bón về chỉ đạt 20% so với cùng kỳ.
Hàng không "bay hơi" 10.000 tỷ
Đối với hãng hàng không Việt Nam, thị trường Trung Quốc chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng bay mất khoảng 400.000 khách/tháng và một lượng lớn doanh thu từ nguồn khách này trên các chặng bay nội địa.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí vệ sinh phòng dịch. Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không như ACV, VATM cũng bị sụt giảm doanh thu đáng kể do mất đi 640 chuyến bay/tuần của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc.
Cục Hàng không đã đưa ra 3 kịch bản ảnh hưởng tới thị trường. Trong kịch bản lạc quan nhất, Trung Quốc sẽ công bố hết dịch vào tháng 4/2020, thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 vẫn sẽ có mức tăng trưởng dương (2,1%). Tuy nhiên ở kịch bản xấu nhất, đến tháng 8/2020 Trung Quốc mới công bố hết dịch, thị trường hàng không năm 2020 sẽ giảm tới 15,5%.
Với những khó khăn mà các hãng bay đang đối mặt, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (điều hành bay, cất hạ cánh), khuyến khích hãng bay vào các nhà cung cấp dịch vụ (ACV, VATM...) thảo luận để điều chỉnh giá dịch vụ, giãn tiến độ thành toán cho phù hợp. Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có biện pháp giảm giá, phí cho các hãng bay nội địa.