- Tại sao lại là đường sách Saigon - TP HCM?
- Tôi từng trăn trở về văn hóa đọc người Việt mình. Ngày trước, tín hiệu tích cực nhất để trẻ con đến với sách là từ những câu chuyện của ông bà, cha mẹ kể bên tai. Trẻ bắt đầu tiếp cận với văn hóa đọc khi được dẫn đến các cửa hàng sách vào cuối tuần, có thể tìm sách, cầm xem tranh ảnh như một món đồ chơi hấp dẫn đầy màu sắc. Và từ đó trẻ sẽ quen với mùi sách.
Khác hẳn hiện nay, trẻ con chưa biết nói đã đến với iPad, smartphone, các phương tiện hiện đại, những thành quả của công nghệ máy tính, chơi game... Tài sản ban đầu của con, đáng lẽ là ở trong một góc nhỏ phòng con, góc học tập của con ngoài sách giáo khoa, sẽ là những cuốn sách để con đọc khi giải trí như truyện cổ Việt Nam, truyện cổ Grim, truyện dân gian, ngụ ngôn... Nhưng bây giờ tài sản của trẻ con phần lớn là một đống đồ chơi, rồi sẽ vất bỏ.
Tôi nghĩ phải làm sao đường sách sẽ là điểm đến đầu đời của một đứa trẻ. Về phần người lớn, khi tôi đến thăm nhà của bạn mà bạn khoe tivi rất to, hay dàn nhạc hoành tráng, bếp hiện đại hàng trăm triệu tôi cảm thấy buồn. Ít ai khoe với tôi, đây là thư viện của gia đình, chỗ tôi ngồi đọc sách... Vô cùng hiếm.
Khi ta nói đến đường sách và những sự kiện liên quan đến sách gần đây, đó chính là những nỗ lực, cố gắng để góp phần làm cho sách đến gần với công chúng, sách được tôn vinh.
Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam phát biểu ý tưởng về Đường sách TP HCM trong ngày Hội sách. |
- Ông đã trải nghiệm với từng cuốn sách như thế nào?
- Bây giờ chúng ta tìm hình ảnh các bạn trẻ ngồi tám chuyện xung quanh một cuốn sách hay tranh luận với nhau về nhân vật trong cuốn sách nào đó, cũng rất hiếm. Thậm chí người ta đặt tên con, không còn lấy những nhân vật trong sách nữa mà giờ người ta lấy những nhân vật từ trong game, hay phim bộ... Hình ảnh phổ biến nhất của các bạn trẻ là buổi sáng ngồi quán cà phê tán dóc, chiều nhậu nhẹt nâng bia... Ngay cả công chức bây giờ cũng đánh mất thói quen tìm đến một cuốn sách đọc để bồi bổ tâm hồn, nâng cao kiến thức nghề nghiệp.
Thành ra, xã hội chúng ta không tôn vinh sách, xem sách như bạn đường, là phương tiện để giúp vun đắp tâm hồn con người, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và làm việc tốt hơn.
Đó là hiện thực đã dẫn đến sự minh định: Ai đọc sách, người đó hiền hơn, tốt hơn. Ai đọc sách, người đó tử tế, trí tuệ hơn. Tức là, nếu ai biết xem sách là người bạn đồng hành, họ sẽ trở thành con người tốt cả về đạo đức, trí tuệ, kiến thức.
Nhưng ngược lại, việc đọc sách càng suy tàn thì xã hội ngày càng bạo lực, hỗn loạn, lệch chuẩn văn hóa... Mà chắc chắn những điều này không phải đến từ những người có đọc sách.
Khi ta nói đến đường sách và những sự kiện liên quan đến sách gần đây, đó chính là những nỗ lực, cố gắng để góp phần làm cho sách đến gần với công chúng, sách được tôn vinh.
- Các thế hệ đi trước, việc cầm sách để chơi là chuyện bình thường vì lúc đó chưa có công nghệ thông tin. Nhưng làm sao để thế hệ trẻ bây giờ, họ chính là những người làm chủ đường sách, là những người cầm từng cuốn sách để vào tay bạn đọc, hay kể những câu chuyện cổ tích cho các em nhỏ...?
- Tôi cũng nhận thấy hiện nay thế hệ học sinh, sinh viên đang khao khát sách, và họ nhận thấy sự vận động thay đổi tất yếu của xã hội.
Tôi và bạn gặp nhau ở điểm này. Chúng ta, về phần Hội Xuất bản VN do tôi đại diện phía Nam, có trách nhiệm là phải làm sao cho văn hóa đọc phát triển. Muốn vậy, ta phải nói cả hai mặt - tinh thần và vật chất.
Tinh thần là phải làm sao cho người lớn thấy được việc cho con em mình đọc sách là cần thiết. Làm sao tác động đến người lớn từ nhận thức dẫn đến ý thức một cách đúng đắn và mạnh mẽ kiên quyết tạo điều kiện cho con mình được đến với sách, góp phần cho con em mình trở thành người tốt.
Điều thứ hai, để tạo ra nhận thức đó, ta phải có lực lượng vật chất. Đó là các NXB phải in ra nhiều cuốn sách có chất lượng hơn cả nội dung lẫn hình thức. Có như vậy người ta mới mua sách cho họ và con em họ. Đó là hệ thống phân phối sách phải làm sao cho sách đến xa hơn. Không chỉ phục vụ dân thành thị mà ở các vùng sâu, vùng xa cũng có được cửa hiệu sách để người dân dễ dàng tiếp cận với sách, đó là bưu điện văn hóa xã, thư viện các trường học...
Những tác động thông qua những sự kiện như giới thiệu sách mới, sách hay, hội sách, đường sách mùa Xuân, giao lưu tác giả... trên mặt báo. Đó là những sự kiện văn hóa đọc tác động lớn đến nhận thức và ý thức của mọi người, giúp người ta đến với sách một cách dễ dàng.
Ý tưởng về Đường sách SaiGon - TP HCM nhận được sự ủng hộ của nhiều người yêu sách. |
- Như vậy, sự ra đời của một đường sách có ý nghĩa gì với điều mà chúng ta đang nói tới?
- Mục đích, ý nghĩa, vai trò của đường sách nằm trong chuỗi công việc mà chúng ta sắp làm , để kích thích, tạo cú hích mạnh mẽ hơn nữa, vun đắp hơn nữa cho văn hóa đọc.
Vậy nó có phải là một không gian thật lớn để chứa tất cả sách như một nhà báo vừa nhận định hay không? Hay làm cả một công viên sách? Không phải, ở đây tôi cần một biểu tượng có tính đỉnh cao mà tất cả những giá trị lớn nhất của sách đều nằm ở đây.
Cụ thể, ở đây là nơi tạo dựng, tôn vinh và phát triển văn hóa đọc , là nơi mà những người làm nghề xuất bản gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm xuất bản. Họ cũng sẽ gặp tác giả ở đây. Họ nghe bạn đọc góp ý kiến ở đây. Làm sao để có thể xuất bản một cuốn sách tử tế. Đây là một nơi thể hiện được những hoạt động có tính nghề nghiệp của các NXB Việt Nam.
Đây cũng là nơi mà tác giả gặp gỡ bạn đọc, lắng nghe nhu cầu bạn đọc. Một tác giả đến đây không chỉ để ký tặng bạn đọc mà còn thu lượm được nhiều chất liệu, vốn sống từ phản hồi của bạn đọc.
Ở đây sẽ là điểm đến quen thuộc, thường xuyên của bạn đọc và lâu dài sẽ là điểm "ký ức" văn hóa, tinh thần của đông đảo cư dân thành phố nầy.
Đây cũng là điểm đến của những người yêu sách, chơi sách, họ sẽ tìm được những cuốn sách mà họ yêu thích. Họ sẽ tìm được bạn tâm giao để cùng trao đổi, chia sẻ về những cuốn sách mà họ đã đọc mà chưa biết nói cùng ai.
Và quan trọng nhất là hình thành thói quen tìm sách. Buồn buồn đi đâu bây giờ? Không bia bọt, xem phim, ca nhạc, sân khấu thì đến Đường sách. Đó cũng là điểm đến thật vui, cũng có cafe, uống trà đàm đạo. Đó là không gian hưởng thụ thật sự để gia tăng chất lượng sống của bạn tối đa.
Đường sách sẽ là nơi đến quen thuộc, thường xuyên của bạn đọc và lâu dài sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đông đảo cư dân thành phố này.
Nếu như thành phố đồng ý giao con đường Nguyễn Văn Bình để làm con đường sách, đấy sẽ là một cách tôn vinh sách, làm cho sách lên ngôi vua trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần, cũng bởi vì nó "ngự" ở một địa điểm thật đẹp của thành phố.
- Tôi nghĩ đường sách sẽ trở thành một nơi hội tụ văn hóa mà sách là đỉnh cao của không gian hội tụ tinh hoa. Và vô hình chung khối Nhà Thờ- Bưu Điện và Đường sách Saigon - TP HCM sẽ trở thành con đường Di sản của TP HCM?
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Cái lợi của việc hình thành đường sách Nguyễn Văn Bình là mọi mặt: người dân, người làm nghề, tác giả tác phẩm và cả chính trị cho thành phố. Làm sang trọng thành phố.
Có nhiều ý kiến xoay quanh câu hỏi "Làm sao để tôn vinh được văn hóa đọc mà đạt được cả về hiệu quả kinh tế? ". Bằng thực tế, những người bán sách trong 4 ngày thực hiện ngày sách Việt Nam lần thứ 2 - tháng 4 vừa qua - được tổ chức ngay tại đường Nguyễn Văn Bình này, cao nhất có một gian hàng sách thu được 250 triệu đồng, trung bình từ 25 triệu đến 40 triệu/ngày.
Anh Vũ Đình Thân, GĐ công ty Gia Vũ nói một ngày anh bán được 25-30 triệu. Và anh nói khi đường sách khi đi vào hoạt động thường xuyên rồi thì nếu mỗi ngày tôi bán bằng nửa số tiền này. Tôi có thể san sẻ các chi phí và tiếp tục phát triển công việc bán sách ở đây một cách có thể sống được, gắn bó lâu dài với đường sách. Đấy là một ý kiến cụ thể được đơn cử. Trên 10 đơn vị tham gia Ngày sách, trong buổi họp chiều 21/4 do BTC mời để nghe ý kiến các đơn vị, cho thấy hai điều chung: mãi lực rất cao và ở đây có những loại sách có thể bán chạy hơn những nơi khác, nhất là những loại sách có hàm lượng tri thức cao như sách triết học, khoa học, kinh tế...
- Tôi có cảm nhận nếu đường sách được hình thành cố định, đó là một câu chuyện mà chúng ta viết tiếp cho Saigon - TP HCM hiện tại thật ý nghĩa có thể ghi dấu vào lịch sử của thành phố sau này?
- Tôi nghĩ, bây giờ phải giải quyết được nhận thức trước đã. Ví dụ có anh nói đường này nhỏ quá không thể nào đem bày bán hết sách xuất bản. Nếu người ta có lập ra phố cà phê, thì phố đó phải đưa ra được phong cách, chất lượng, giá cả, phục vụ chuẩn.
Đó là cái chuẩn mà mọi người hướng tới, góp phần nâng cao giá trị tinh thần cho đời sống- sống chất lượng thật sự. Với những việc làm có chủ đích, và kết quả đạt được, tôi tin, đường sách sẽ là một hiện thực trong tầm tay của chúng ta. Tôi có niềm tin mãnh liệt cho cái khả năng ra đời có thực cho đường sách.