Trong chuỗi các hoạt động tại Ngày sách Việt Nam ở TP HCM, chiều 18/4 tại đường Nguyễn Văn Bình (quận 1) diễn ra buổi tọa đàm “Một phố sách cho Sài Gòn – Tại sao không?”, thu hút nhiều nhà văn, nhà báo, người làm sách… tham gia.
Cần thiết một phố sách
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Quách Thu Nguyệt (nguyên giám đốc NXB Trẻ) đặt vấn đề cần sớm khôi phục lại một phố sách mà Sài Gòn từng có. “Đường Đặng Thị Nhu là đường nổi tiếng vẫn còn tồn tại trong ký ức nhiều người mê sách, chỉ dài 200 m là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ. Sau này vì chỉnh trang lại đô thị mà phải dẹp bỏ, các tiệm sách rời rạc đi nhiều nơi”, bà Nguyệt nói.
Bà cho rằng, ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay ở Thành phố Hà Nội đều có phố sách (phố Đinh Lễ) thì không lý do gì một thành phố lớn như TP HCM lại không có. “Hàng năm thành phố đều có đường sách Xuân rồi hội sách được tổ chức 2 năm 1 lần. Nhưng theo tôi, chừng ấy vẫn chưa thỏa mãn đầy đủ nhu cầu văn hoá tinh thần của người dân”, bà lập luận.
Bà Quách Thu Nguyệt cho rằng Sài Gòn cần sớm có một phố sách. |
Chung quan điểm, nhà báo Lê Văn Nghĩa cũng ủng hộ đề xuất sớm hình thành đường sách. Ông tán thành việc chọn đường Nguyễn Văn Bình (bên hông Bưu điện TP HCM) để thí điểm làm phố sách.
Theo ông, đây là con đường ngắn, quanh năm rợp mát bóng hàng me xanh, nằm sau lưng trụ sở UBND quận 1 và bên hông Bưu điện. Do không có nhà dân nên việc quy hoạch khu phố sách ở đường này sẽ không phải tốn kém các chi phí đền bù. Con đường bao quanh bởi bưu điện, nhà thờ Đức Bà là một vị trí lý tưởng bởi nằm trong vùng lõi di sản Sài Gòn, nên dễ thu hút khách trong, ngoài nước.
“Thành phố có nhiều đường bán sách, nhưng không có một đường sách đúng nghĩa. Năm nay, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để thực hiện ý tưởng này để khôi phục lại một nét văn hóa hồn cốt Sài Gòn”, ông Nghĩa phát biểu.
Ngày sách là bước thử nghiệm để xây dựng phố sách
Hầu hết các khách mời đều ủng hộ việc hình thành phố sách trên đường Nguyễn Văn Bình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu góp ý: “Chúng ta không nên gánh cho con đường quá nhiều chức năng mà phải là không gian mở cho những người yêu sách thực sự gặp nhau. Chẳng hạn như người bán hoàn toàn có thể trải bạt ra bán thay vì những cửa hàng khép kín”.
Việc chọn Ngày sách Việt Nam tại TP HCM ở đường Nguyễn Văn Bình là bước thử nghiệm để xây dựng phố sách. |
Nhà báo Lê Minh Quốc ủng hộ cho đường sách ra đời nhưng ông cho rằng không nên chọn đường Nguyễn Văn Bình vì đường này quá nhỏ, hẹp. “Bây giờ có rất nhiều nhà xuất bản, mỗi ngày biết bao quyển sách ra đời, nên con đường khó có thể tích trữ được một lượng sách lớn. Vì vậy, nếu bạn đi tham quan phố sách mà lại không thể tìm được quyển mình muốn thì cảm giác ra sao?”, nhà báo đặt câu hỏi. Ông cũng cho rằng, để đường sách tồn tại lâu dài thì cần phải giải quyết một bài toán khó là sự hài hòa giữa văn hóa và kinh tế.
Nhà báo Dương Thành Truyền góp ý: “Để con đường sách phát triển tự nhiên bền vững, chúng ta phải tìm những người thực sự đam mê với nghề sách đến đây kinh doanh. Tất nhiên cũng phải tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế”.
Chủ trì buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam) cho biết: “Việc thực hiện Ngày sách Việt Nam năm nay trên đường Nguyễn Văn Bình chính là bước thử nghiệm tiến tới xây dựng phố sách. Sắp tới, hội xuất bản sẽ tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, chính quyền và đề xuất các ý kiến về đề án phố sách TP HCM với Sở Thông tin – Truyền thông, các NXB, phát hành sách sau đó trình UBND xem xét, hiệu chỉnh”.