Một sự kiện có sự tham gia của rất đông bạn đọc tại Đường sách TP.HCM. |
Đường sách TP Cao Lãnh gồm 19 gian hàng, phân bố dọc hai bên trục chính đường nội bộ công viên. Hiện có 4 đơn vị làm sách tham gia, gồm: Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Phương Nam và gian hàng sách cũ Gia Trinh.
Anh Đình Thảo, người dân TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) chia sẻ: “Chúng tôi vui khi TP Cao Lãnh khánh thành đường sách đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với tôi, việc thường xuyên lui tới con đường sách trong công viên xanh này là một nhu cầu tự thân. Cùng Thư viện tỉnh Đồng Tháp, tôi tin rằng văn hóa đọc sẽ không ngừng lan tỏa đến thật nhiều người dân Đồng Tháp từ địa chỉ văn hóa này”.
Đường sách về Cao Lãnh
Nhà xuất bản Trẻ là một trong 3 đơn vị xuất bản của TP.HCM tham gia Đường sách TP Cao Lãnh. Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Bên cạnh vị trí đắc địa, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, có một yếu tố quan trọng là mới đây TP Cao Lãnh vừa được UNESCO vinh danh là Thành phố học tập. Điều này sẽ mang đến một tinh thần khác với các đường sách khác, qua đó, góp phần thúc đẩy người dân thường xuyên tới đường sách để tìm tòi kiến thức. Đó chính là lý do mà Nhà xuất bản Trẻ tham gia Đường sách TP Cao Lãnh”.
Như vậy, đến hiện tại, ngoài Đường sách TP Cao Lãnh, còn 4 đường sách nữa, gồm: Đường sách TP.HCM, Đường sách Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phố sách Hà Nội, Đường sách Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tại lễ khánh thành Đường sách TP Cao Lãnh, ông Nguyễn Hữu Cứ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam - Chánh Văn phòng phía Nam, cho biết sắp tới TP.HCM sẽ có thêm Đường sách Thủ Đức, Đường sách Quận 7, Phố sách Bình Phú (quận 6); các tỉnh có Đường sách TP Huế; Phố sách tỉnh Khánh Hòa… Mô hình đường sách đang được xem là độc đáo và có tác động tích cực đến văn hóa đọc hiện nay. Tuy nhiên, thực tế là hiệu quả của mô hình này lại không tỉ lệ thuận với số lượng.
Cân nhắc việc nhân rộng
Ở thời điểm mới ra mắt, Đường sách Vũng Tàu có 4 đơn vị xuất bản tham gia là Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Cửa hàng sách 24h và Nhà sách Hoàng Cương. Tuy nhiên, sau gần 5 năm hoạt động, hiện tại chỉ còn Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Kim Đồng là vẫn đang cố gắng để trụ lại. Các sự kiện, chương trình giao lưu khá im ắng. Thậm chí, theo một người trong giới, xuống Vũng Tàu hỏi người dân về đường sách, vẫn có người không biết. Tình trạng ở Phố sách Hà Nội cũng không sáng sủa hơn.
Với Nhà xuất bản Trẻ, doanh thu từ gian hàng của Đường sách TP.HCM so với Đường sách Vũng Tàu có sự chênh lệch lớn, cao hơn gấp 5 lần. Dù nhận thấy mô hình đường sách có mặt tích cực, nhưng theo bà Phan Thị Thu Hà, cần có sự cân nhắc trong việc nhân rộng mô hình đường sách.
Bởi nếu nơi nơi làm đường sách thì để tất cả đường sách hoạt động là rất khó, các NXB cũng không thể nào theo hết. Bà Thu Hà lý giải: “Ở một góc độ nào đó, từng địa phương cũng có các nhà sách, thậm chí là các nhà sách lớn như Fahasa, Phương Nam. Điều quan trọng nhất là tiêu chí, kỳ vọng của lãnh đạo địa phương, có ủng hộ đường sách thì đường sách đó mới hoạt động được. Chưa kể đường sách đó phải gắn với con người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản mới hiệu quả. Nếu đường sách mở ra chỉ đơn thuần là mua bán không thôi thì khó có sự lan tỏa”.
Trong câu chuyện nhân rộng mô hình đường sách, vai trò của địa phương rất quan trọng, nhất là trong việc kích thích, tạo điều kiện để bạn đọc tham quan, dự các chương trình, sự kiện… tại đường sách.
Còn ông Lê Văn Thành, Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại TP.HCM, cho rằng, nơi nào có thêm cửa hàng sách thì mừng cho nơi đó, thêm cả một đường sách với sự hiện diện của nhiều cửa hàng sách càng mừng hơn. Hiện tại sẽ là thử thách với những người kinh doanh sách. Chỉ có sách, bằng sách, qua việc khuyến khích đọc thì dần dần mọi sự mới khởi sắc hơn được. Theo ông Thành, nếu chỉ nhìn vào doanh số, lấy hiệu quả phát hành làm thước đo duy nhất thì ở thời điểm hiện tại, có lẽ mỗi Đường sách TP.HCM là đủ sức hút và giữ được chân các đơn vị làm sách.
“Cộng đồng đọc, văn hóa đọc của chúng ta còn yếu. Là đơn vị làm sách, lại làm sách cho thiếu nhi, chúng tôi nhìn vào mắt trẻ thơ mà làm sách. Thêm một gian hàng, một cửa hàng sách Kim Đồng là thêm một bước sách Kim Đồng đến gần hơn với độc giả, ở tư thế chủ động nhất có thể”, ông Thành cho biết.