Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, ngày 28/4, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM, chia sẻ về hành trình phát triển đường sách, xây dựng văn hóa đọc.
“Tại đường sách, chúng ta phải đề cao ý thức phục vụ, không nên có tư tưởng nắm được con đường quá thuận lợi, đi vào hoạt động lại tập trung tận thu, kinh doanh”, ông nói.
Ông Lê Hoàng cho rằng nhờ hiệu ứng xã hội, trong khi cửa hàng sách gặp khó khăn vì hoạt động phát hành sách online, tại đường sách, lượng sách tiêu thụ, doanh số tăng lại tăng lên. Ảnh: Thu Hằng. |
Đường sách nên đề cao ý phục vụ, không tận thu
Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) đi vào hoạt động từ năm 2016. Trong năm đầu tiên, nơi đây thu hút khoảng 2.000 lượt khách mỗi ngày, doanh số đạt 26,4 tỷ đồng. Sau 4 năm, số lượng khách tăng lên 8.000 lượt/ngày. Doanh số tăng 170%, đạt 44,6 tỷ đồng trong năm 2018.
Ông Lê Hoàng thừa nhận đường sách có nhiều thuận lợi như nằm ở vị trí trung tâm, trong quần thể các công trình văn hóa, cảnh quan đẹp.
Năm 2019, 252 sự kiện lớn nhỏ diễn ra tại đây, làm nên sức sống cho đường sách, thu hút độc giả cả trong nước lẫn nước ngoài, phần lớn là người trẻ.
Nói về công tác phát triển đường sách, ông Lê Hoàng cho rằng điều kiện cần bao gồm việc xác định đúng mục tiêu khi đi vào xây dựng.
“Đây không chỉ là nơi lưu hành, bán sách mà còn là không gian đầy sức sống với nhiều hoạt động liên quan văn hóa đọc, văn hóa khác để thu hút dân chúng”, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ.
Ông nói thêm những năm qua, đường sách TP.HCM là điểm đến tham quan, thư giãn, của các gia đình, bởi môi trường an toàn, văn hóa, xanh, sạch, đẹp. Nhờ đó, đường sách có sự khác biệt với cửa hàng sách truyền thống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Đảng, TP.HCM cũng quan tâm, tạo điều kiện khi chuyển đường Nguyễn Văn Bình từ giao thông sang làm phố sách, ban hành khung pháp lý để đường sách đi vào hoạt động, đồng thời tạo cơ chế phù hợp.
Ông Hoàng cho rằng cơ chế xã hội hóa tạo nên sự chủ động, linh hoạt, thuận lợi cho phát triển đường sách.
Đương nhiên, để thu hút độc giả, đường sách cần có nhiều sách hay, chất lượng, thỏa mãn nhu cầu đọc đa dạng, được phát hành bởi NXB uy tín, bề dày về thương hiệu, tạo niềm tin cho bạn đọc khi chọn chỗ này mua sách.
Bên cạnh đó, đường sách cần có nhiều hoạt động để thu hút người đến, cùng không gian xanh, mát, môi trường yên tĩnh, trong lành, thân thiện với mọi người, trở thành không gian văn hóa.
Ngoài cơ chế, ông Lê Hoàng cho rằng đường sách TP.HCM còn làm nên thành công khi họ phục vụ cộng đồng. Đáp lại, cộng đồng, các nhà xuất bản, công ty sách, hội khoa học, nghệ thuật, trường học, cũng tích cực tham gia làm nên sức sống cho đường sách.
Theo ông, doanh nghiệp điều hành đường sách là mô hình phù hợp, thuận lợi cho phương thức hoạt động, thu chi tài chính, tự quyết định. Hoạt động quảng bá cho đường sách cũng rất quan trọng.
Ông cũng nêu quan điểm đường sách nên đề cao ý phục vụ, không nên đặt nặng kinh doanh, tận thu.
“Hoạt động văn hóa đòi hỏi tinh thần phục vụ cao. Trong khi cửa hàng sách gặp khó khăn vì hoạt động phát hành sách online, tại đường sách, lượng sách tiêu thụ, doanh số tăng lại tăng lên. Tôi nghĩ là nhờ hiệu ứng xã hội”, ông Hoàng nói.
Nuôi dưỡng văn hóa đọc là yếu tố cần thiết để đường sách hoạt động thành công. Ảnh: Chí Hùng. |
Nuôi dưỡng văn hóa đọc
Trong khi đó, mô hình đường sách tại một số địa phương khác lại không thuận lợi như vậy.
Ở Hà Nội, phố sách trên đường 19/12 hoạt động từ năm 2017. Là đơn vị có gian hàng ở cả đường sách TP.HCM lẫn Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books - đánh giá phố sách không thành công như mong đợi của độc giả, đơn vị tham gia.
Theo ông, Hà Nội có nhiều thuận lợi, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, tập trung nhiều đơn vị xuất bản. Thành phố cũng quan tâm phát triển đường sách, lựa chọn đường 19/12 là nơi ở trung tâm, cảnh quan đẹp.
Hà Nội có Đinh Lễ và người dân quen thuộc với phố sách này hơn. Yếu tố thời tiết cũng không thuận lợi khi mùa hè quá nóng, mùa đông quá lạnh, không thích hợp để hoạt động ngoài trời.
Bên cạnh đó, phố sách 19/12 thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước. Đương nhiên, việc này cũng có mặt thuận lợi nhưng do không phải người làm trong ngành, không hiểu biết về ngành xuất bản, dẫn đến hai bên khó gắn bó, tìm tiếng nói chung.
Ông Nguyễn Cảnh Bình cho rằng việc tập trung nhiều đơn vị tồn tại cả mặt tốt và mặt xấu, khi tình trạng “cha chung không ai khóc”, khó có người đứng đầu, thống nhất như trong TP.HCM.
“Thời tiết không thay đổi được nên quan trọng là con người. Chúng ta cần những người có tâm huyết, hiểu biết về ngành hợp tác, ngồi bàn luận để đưa ra cơ chế vận hành phù hợp”, ông Bình nói.
Việc xây dựng đường sách ở Đắk Lắk cũng gặp khó khăn nhất định. Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Ban quản lý Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột, đường sách ở đây có sự khác biệt khi bên cạnh trụ cột chính là văn hóa đọc, còn có văn hóa cà phê và văn hóa bản địa.
Ông cho rằng việc phát triển đường sách cần đến mong muốn của người dân, lãnh đạo địa phương, đơn vị quản lý vận hành coi lợi ích xã hội trước lợi ích kinh tế và các NXB có uy tín.
Ông Tuấn cho biết từng gặp, tiếp xúc một số NXB nhưng họ còn ngần ngại khi đưa sách lên Tây Nguyên.
Một năm qua, để phát triển, đường sách quy tụ nhiều hoạt động phù hợp yếu tố đặc thù của văn hóa địa phương như biểu diễn cồng chiêng, rang cà phê, dệt thổ cẩm ngay tại đường sách để tạo điểm thu hút.
Ngoài ra, ông Tuấn nhấn mạnh yếu tố “nhân hòa”, khi các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, coi đây là nơi để giao lưu và doanh nghiệp đứng ra vận hành.
“Doanh nghiệp đứng ra vận hành, tham gia xã hội hóa, không coi lợi ích lên đầu. Ngoài ra, họ cần linh hoạt, không thể bê nguyên mô hình nơi khác về vì đặc điểm khác nhau, không sao chép cứng nhắc mô hình”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Trong khi cửa hàng sách gặp khó khăn vì hoạt động phát hành sách online, tại đường sách, lượng sách tiêu thụ, doanh số tăng lại tăng lên. Tôi nghĩ là nhờ hiệu ứng xã hội.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng
Trong khi đó, Khánh Hòa cũng đang lên kế hoạch xây dựng vườn sách. The ông Nguyễn Châu Hùng, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, một trong số những khó khăn là văn hóa đọc của người dân còn trầm lắng. Tại thư viện tỉnh, số lượng học sinh, sinh viên đến ngày càng ít.
Vì thế, thư viện cũng lãnh đạo tỉnh xây dựng nhiều đề án để khuyến khích thói quen đọc ở thiếu nhi, mong muốn có công viên sách để phụ huynh, học sinh đến, phát triển văn hóa đọc.
Về yếu tố văn hóa đọc, ông Lê Hoàng cho rằng Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 là dịp tốt để lan tỏa thói quen đọc sách.
“Hội sách online là cơ hội để mang sách, thông qua công nghệ, đến tất cả vùng miền. Chỉ cần có mạng, độc giả đều có thể tiếp cận với 10.000 đầu sách”, ông nói.
Theo ông, trong lần đầu tổ chức, kết quả có thể chưa được như ý nhưng đây là xuất phát điểm, là điểm nhấn, đột phá, có ý nghĩa trong việc đưa sách đến công chúng, nuôi dưỡng tình yêu, văn hóa đọc,
“Covid-19 mang lại nhiều đau thương nhưng xét ở mặt tích cực, cái khó ló cái khôn. Hội sách online hoạt động phù hợp trong dịch. Nhưng tôi nghĩ dịch qua rồi, chúng ta vẫn nên tổ chức hội sách online, những hoạt động giao lưu, tọa đàm online”, ông đề xuất.