Đường Trường Sơn Đông là tuyến giao thông cấp 4 miền núi đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tổng chiều dài tuyến đường cần nâng cấp, làm mới là 667,5 km, điểm đầu ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), điểm cuối TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đoạn nâng cấp qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai khi đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã hư hỏng nặng.
Mới bàn giao đã hỏng
Đường Trường Sơn Đông, đoạn qua 2 huyện M’Đrắk và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) với tổng chiều dài 130 km, có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua huyện M’Đrắk dài hơn 40 km do Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng Tham mưu) làm chủ đầu tư.
Đoạn đường mới qua địa bàn 2 xã Cư Prao và Ea Lai của huyện M’Đrắk thuộc gói thầu Đ35, do liên danh Tổng công ty 789 và Công ty Cổ phần 482 thi công, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2016.
Dù mới được bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1 năm, còn trong thời gian bảo hành nhưng mặt đường đã loang lổ ổ voi, ổ gà, rạn nứt kéo dài, nhiều điểm xuống cấp thuộc các đoạn đèo dốc quanh co, đầu các cây cầu.
Ông Y Son Niê (ngụ xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) cho biết khi nghe đường Trường Sơn Đông được đầu tư xây dựng, người dân trong xã vui mừng nhưng đường làm chẳng được bao lâu thì hư hỏng nặng mà không được cơ quan chức năng cảnh báo, gây khó khăn cho bà con vận chuyển nông sản và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Đường Trường Sơn Đông qua địa bàn xã Ea Lai, huyện M’Đrắk hư hỏng nặng. |
Tại tỉnh Gia Lai, tuyến đường Trường Sơn Đông nâng cấp dài gần 68 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn nối 2 huyện Ia Pa và Kon Chro, đưa vào sử dụng từ năm 2015, khi đang trong thời gian bảo hành đã xuống cấp trầm trọng, nhiều vị trí mặt đường bị bong tróc từng mảng, xuất hiện nhiều ổ gà, vệt lún trên đường…
Theo một cán bộ ngành giao thông, nguyên nhân xuống cấp nhanh là do thiết kế không phù hợp với điều kiện địa chất yếu, dễ sụt lún thay vì phải làm đường bằng bê tông xi măng thì lại làm bằng bê-tông nhựa.
Sửa trước, hư sau!
Ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý đường bộ III.5 (Cục Quản lý đường bộ III), thừa nhận đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn xã Cư Prao và Ea Lai sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Từ tháng 9/2017 đến nay, chi cục này đã có nhiều văn bản đốc thúc sửa chữa.
Theo ông Lãnh, cơ quan chức năng đã ra nhiều văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 46 đôn đốc nhà thầu thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình. Nhà thầu đã khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng. Tuy nhiên, qua kiểm tra ngày 6/4/2018, nhiều vị trí được sửa chữa nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vị trí sửa chữa tiếp tục hư hỏng, bong tróc.
Mặt khác, nhà thầu đã cho đào kết cấu cũ, tưới nhựa đường nhưng chưa hoàn trả mặt bằng, để lộ nhiều hố sâu, gây mất an toàn giao thông. Trên các vị trí hư hỏng đều không có biển báo, biển cấm, các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.
"Nếu việc khắc phục hư hỏng không kịp thời, xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến thì nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm" - ông Lãnh cho biết thêm.
Còn theo ông Y Bới Byă, Phó chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, đường Trường Sơn Đông giúp đồng bào các dân tộc thu mua nông sản, lưu thông hàng hóa, phát triển vùng nguyên liệu, củng cố quốc phòng - an ninh… nhưng mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng, gây khó khăn cho bà con lưu thông, đặc biệt nguy cơ mất an toàn giao thông.
"Các ngành chức năng cần kiểm tra lại chất lượng công trình, có hướng khắc phục, sửa chữa nhằm bảo đảm lưu thông thuận lợi và an toàn trên tuyến" - ông Y Bới Byă đề xuất.
Đe dọa sạt lở vào mùa mưa
Tại tỉnh Kon Tum, tuyến đường Đông Trường Sơn những năm qua thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc vào mùa mưa. Đặc biệt, đoạn từ cầu Đắk Lô tới trung tâm xã Ngọc Tem (huyện Kon Plong) cứ mưa lớn là sạt lở nhiều điểm.
Hàng nghìn mét khối đất đá từ phía taluy đường đổ xuống mặt đường gây chia cắt xã Ngọc Tem với khu trung tâm huyện Kon Plong. Ông Võ Pháp, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý đường bộ III.4, cho biết năm nay mới vào đầu mùa mưa, lượng mưa chưa nhiều nên tại khu vực này chưa bị sạt lở. Tuy nhiên, tuyến đường này rất "căng" vì tình trạng sạt lở diễn ra liên tục vào mùa mưa bão.