Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường dành cho xe đạp có thay đổi thói quen di chuyển của người dân?

Từ đề xuất triển khai 2 tuyến đường dành riêng cho xe đạp, nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ dần thay đổi thói quen sử dụng xe máy, ô tô cá nhân của người dân Hà Nội.

Đề xuất của Sở GTVT Hà Nội tổ chức 2 tuyến đường dành cho xe đạp dọc sông Tô Lịch và vỉa hè quanh công viên Hòa Bình đã nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Yên Hoà, Cầu Giấy) cho biết, đề xuất này rất hữu ích, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp cho việc tập luyện thể dục thể thao, tiến tới sử dụng xe đạp đi làm.

Tuy nhiên, với hơn 20 năm sống gần sông Tô Lịch, anh Mạnh kiến nghị, song song với làm đường riêng dành cho xe đạp, cơ quan chức năng cũng cần tính đến phương án xử lý nước thải ở con sông này.

Hiện tuyến đường này được thành phố quy định dành cho người đi bộ. Thế nhưng do mùi hôi thối ở sông bốc lên nên không mấy người đi. Ở phần đường phía đối diện, xe máy được lưu thông, nhưng nhiều khi đi qua cũng phải phóng thật nhanh.

"Vì thế, nếu không cải thiện được môi trường, xử lý được mùi hôi thối thì theo tôi nghĩ, dù có làm đường dành riêng cho xe đạp, cũng không thể hấp dẫn người dân”, anh Mạnh bày tỏ.

Duong danh cho xe dap anh 1

Tuyến đường dọc sông Tô Lịch vừa được Sở GTVT Hà Nội đề xuất làn đường dành riêng cho xe đạp. Ảnh: Thạch Thảo.

Ở khía cạnh khác, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình cho rằng, 2 tuyến đường mà Sở GTVT đề xuất thí điểm không phải là những đoạn lấy một phần đường mà ô tô, xe máy đang lưu thông để dành riêng cho xe đạp. Trước đó, 2 tuyến này chủ yếu cho người đi bộ, bây giờ Hà Nội dùng một phần để làm đường dành riêng cho xe đạp.

“Tôi ủng hộ định hướng này nhất là khi gần đây tham gia mạng lưới giao thông ở Hà Nội có sự trở lại của xe đạp. Một bộ phận người dân coi xe đạp là phương tiện tập luyện thể lực, một số ít cũng chuyển sang sử dụng để làm phương tiện đi học, đi làm thay cho xe máy, ô tô. Đây là cách vừa là luyện thể lực nhưng cũng thể hiện thái độ thân thiện với môi trường, không xả thải”, TS. Phan Lê Bình bày tỏ.

Thúc đẩy thay đổi thói quen tham gia giao thông

Hiện trên thế giới, với mong muốn giảm thiểu khí thải từ ô tô và xe máy cũng như giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày một nghiêm trọng, nhiều đô thị đã triển khai hàng loạt chính sách khác nhau để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.

Ví dụ tại Singapore, cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) của nước này đặt mục tiêu thúc đẩy việc đi bộ, đạp xe trở thành hệ thống giao thông xanh và bền vững hơn.

Để hỗ trợ việc đi lại, ngoài đường dành cho xe đạp, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyến đi cũng rất quan trọng. Hiện Singapore có khoảng 27.000 chỗ đậu xe đạp tại các điểm giao thông công cộng. LTA sẽ cung cấp thêm 3.000 chỗ nữa tại các ga tàu điện ngầm vào năm 2025.

Hiện nay, Singapore có khoảng 500km đường dành cho xe đạp và đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đường đi xe đạp trên toàn đảo quốc lên 800km trong 2-3 năm tới.

Hay như thủ đô Paris, Pháp kể từ năm 2015, chính quyền thành phố đã đầu tư 150 triệu euro với mục tiêu trở thành một trong những "thủ đô xe đạp” trên thế giới. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi chiều dài làn đường xe đạp, quy hoạch thêm nhiều điểm đỗ và nâng cấp hệ thống xe đạp công cộng Vélib’.

Người dân chỉ việc tải ứng dụng trên điện thoại và đăng ký sử dụng dịch vụ bằng thẻ tín dụng. Nhờ việc đăng ký sử dụng đơn giản và chi phí thấp tùy theo đối tượng, mô hình này được người dân rất hưởng ứng.

Với Thủ đô Hà Nội, từ việc đề xuất triển khai 2 tuyến đường dành riêng cho xe đạp, nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ thúc đẩy thay đổi thói quen di chuyển của người dân - sử dụng xe đạp thay thế cho xe máy hay ô tô cá nhân.

TS. Phan Lê Bình cho biết, ở các đô thị phát triển trên thế giới với những phương tiện không mong muốn chiếm ưu thế thì chính quyền có thể đặt ra những hạn chế nhất định (không cho phép đỗ ô tô ở nhiều tuyến phố, hoặc lập ra những làn riêng cho xe buýt...).

“Một số đô thị ở các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức lập ra các làn ưu tiên cho xe đạp… Những làn đường này thường có chiều rộng khoảng 1,5m được bố trí sát mép phải đường. Các phương tiện khác khi thấy xe đạp đi trên làn đường đó không được bấm còi đòi vượt.

Điều này cho thấy xe đạp có quyền ưu tiên hơn ở những làn đường đó. Nhờ những cách làm như vậy người dân di chuyển bằng xe đạp thấy thuận tiện, an toàn thì họ dần sử dụng thay vì các phương tiện xe cơ giới khác. Hiện xu hướng sử dụng xe đạp trong lưu thông hàng ngày tại các đô thị ở châu Âu đang phát triển khá mạnh”, TS. Phan Lê Bình thông tin.

Một chuyên gia giao thông khác cho rằng, để khuyến khích nhiều hơn nữa người dân Thủ đô sử dụng xe đạp đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ hạ tầng đường xá, đến việc kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác cũng như các điểm trông, giữ xe.

Hiện trạng 2 tuyến đường thí điểm cho xe đạp ở Hà Nội

Hai cung đường được đề xuất cải tạo để dành cho xe đạp là tuyến dọc sông Tô Lịch và vỉa hè quanh công viên Hòa Bình (Hà Nội). Đây là những tuyến đường vắng người qua lại.

https://vietnamnet.vn/duong-danh-rieng-cho-xe-dap-co-lam-thay-doi-thoi-quen-di-chuyen-cua-nguoi-dan-2223429.html

Theo N. Huyền/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm