Những hiệp định thương mại tự do được ví như đường cao tốc nối Việt Nam với thế giới, giúp đẩy mạnh sản xuất trong nước, trở thành trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.
Công ty Gỗ Đông Hòa ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương của bà Lê Thị Hồng nhiều năm xuất khẩu hàng nội thất đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… nhưng chủ yếu là làm gia công. Do doanh nghiệp chưa gây dựng thương hiệu, các đơn hàng chủ yếu được đặt bởi những công ty trung gian ở Hong Kong, Singapore hoặc chính ở Mỹ, EU, sau đó xuất đi các thị trường lớn.
Bà Hồng cho rằng rất khó để những doanh nghiệp quy mô vừa như Gỗ Đông Hòa có thể xuất khẩu trực tiếp đi Mỹ hay EU. Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào đầu cuối năm 2019 khi có thông tin Việt Nam chuẩn bị ký hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA). Nhiều doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương như Gỗ Đông Hòa bắt đầu tìm hiểu và nhìn thấy cơ hội của mình.
Hiệp định yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ rõ ràng từ Việt Nam, nên mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất trực tiếp đi EU, mà không cần thông qua trung gian. Nhiều doanh nghiệp gỗ đã đầu tư dây chuyền, hoàn thành các thủ tục công nhận xuất xứ để có thể bước chân vào thị trường gỗ EU có dung lượng lên tới 80-90 tỷ USD mỗi năm.
99% dòng thuế đánh vào hàng gỗ của Việt Nam đã được EU xóa bỏ khi EVFTA có hiệu lực, mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc ký kết những FTA mới như EVFTA đang ngày càng mở ra những thị trường mới cho hàng Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm sáng nổi bật của ngành công thương nhiệm kỳ qua.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và vượt 500 tỷ USD vào năm 2020, với thành tích xuất siêu gần 20 tỷ USD. Đây là một trong những thành tựu nổi bật, giúp cải thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Độ mở của nền kinh tế thường được đo bằng kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho quy mô GDP. Hiện tại, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là hơn 200%, được các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là độ mở rất lớn, chứng tỏ Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Tuy vậy, độ mở của nền kinh tế càng lớn thì càng dễ chịu ảnh hưởng của những biến động bên ngoài. Việc vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vừa đảm bảo được cán cân thương mại bền vững, vừa chống chịu được những tác động bên ngoài là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Những năm qua, tuy nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam vẫn thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Có những năm xuất khẩu tăng trưởng tới trên 20-22%. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đã vượt 500 tỷ USD, con số mà nhiều năm về trước nhiều người không dám kỳ vọng.
Trong khi đó, nếu như 5-10 năm trước, vấn đề nhập siêu được coi là điểm yếu của kinh tế Việt Nam, khiến nhiều nhà quản lý “đau đầu” thì nay cục diện đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2020, xuất siêu của Việt Nam là 20,1 tỷ USD, đạt kỷ lục.
Theo tiến sĩ Chu Thị Bích Ngọc, Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, xuất khẩu luôn được coi là một trong những trụ cột của nền kinh tế.
Để sản xuất một sản phẩm xuất khẩu, không chỉ sử dụng nguyên liệu của một ngành nào đó mà cần nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế liên quan khác. Ngành lấy sản phẩm của chính nó và các ngành khác làm nguyên liệu đầu vào đã lan tỏa ngành khác gia tăng sản xuất. Khi có nhiều sản phẩm được xuất khẩu, hầu hết ngành đều bị tác động.
“Xuất khẩu giúp cải thiện giá trị gia tăng của nền kinh tế”, bà nhận định.
Ví dụ, nếu Việt Nam xuất khẩu một chiếc TV, nhiều linh kiện hay bao bì được mua của các đối tác trong nước sản xuất. Các nguyên liệu như nhựa, hóa chất, kim loại… được mua từ các đối tác khác nhau, giúp những ngành trên cũng có thể “gián tiếp” xuất khẩu. Trong khi đó, việc sản xuất cần đầu vào là điện, nước… và vận chuyển, nên các ngành này cũng được lan tỏa.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%. Đáng chú ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản, thuỷ sản đều giảm, thì tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đã đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung.
Những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 47,8%...
Tính chung năm 2020, Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD. Với mức xuất siêu kỷ lục này, đây là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư thương mại tăng đều qua các năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng xuất siêu cao thể hiện hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành cùng chiến lược đúng đắn về xuất nhập khẩu, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam ngay cả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp trong giai đoạn 2016-2020, thành tích xuất nhập khẩu mang đến nhiều ý nghĩa quan trọng. Ông nhắc đến chủ nghĩa bảo hộ, và chủ nghĩa bảo hộ cường quyền.
Các yếu tố này có tác động rất mạnh đến dòng chảy của thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. Xu thế bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương, các tranh chấp thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại sẽ tác động trực tiếp ngay đến Việt Nam.
“Việt Nam sẽ rất dễ bị bỏ rơi nếu như chúng ta không có chiến lược và không có một cái kế hoạch với những quyết sách và biện pháp quyết liệt. Bởi vậy, có thể nói xuất nhập khẩu của giai đoạn 2016- 2020 gắn chặt và được đặt trong một nền tảng của chiến lược hội nhập của chúng ta”, ông nhận định.
Cuối tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm chính thức đất nước mặt trời mọc. Ông đã quyết định cắt ngang chuyến đi để trở về Việt Nam trong ngày, dự lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA). Sau đó, Thủ tướng lại tiếp tục quay lại Nhật Bản để thăm chính thức nước này.
Chuyến trở về trong “chớp nhoáng” cho thấy Thủ tướng rất coi trọng sự kiện đặc biệt, khi Việt Nam là nước đang phát triển duy nhất trên thế giới có hiệp định thương mại tự do với EU. Tại sự kiện, Thủ tướng đã ví von: "Hai hiệp định quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau".
Thực tế những năm qua, các FTA được ví như những “con đường cao tốc” nối Việt Nam ra thế giới, với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp cả 2 bên.
Theo các chuyên gia, trong nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc mở cửa thị trường, thực hiện chiến lược hội nhập một cách rất cụ thể, có hiệu quả. Riêng trong giai đoạn này, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký kết vào đầu năm 2018.
Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia… sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác, CPTPP có thể tạo ra mức tăng trưởng bình quân từ 4-5% và mức tăng xuất khẩu có thể đạt từ 8,7-9,6%. Hiệp định còn giúp nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Trong khi đó, khi tham gia EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Mới đây nhất, Việt Nam cũng ký hiệp định RCEP và FTA với Anh. Sau khi Hiệp định RCEP với 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng những hiệp định đang giúp Việt Nam mở ra những thị trường mới, dư địa mới để phát triển. Điển hình như những thị trường ở xa như Mexico, Chile… trước đây Việt Nam gần như rất khó tiếp cận. Nhưng nhờ CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang những thị trường này đã tăng vọt trong những năm qua.
Ông cũng nhắc lại câu nói của Thủ tướng và cho rằng “đường cao tốc đã được mở ra”, vấn đề là Việt Nam phải làm gì để cho tất cả mọi “phương tiện” đều có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này. Do đó, Việt Nam phải có “hệ thống hạ tầng”, “đường lối dẫn” để kết nối với “hệ thống giao thông” trên đó.
Theo Bộ trưởng, với 17 FTA và 3 hiệp định đang được đàm phán, Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa, có điều kiện để định hướng cho phát triển, cho đất nước trong chiến lược dài hạn.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phó giáo sư Bùi Quang Tuấn cho rằng cỗ xe “tam mã” là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư là yếu tố quan trọng giúp đưa nền kinh tế tăng trưởng cao, thậm chí trong bối cảnh dịch Covid-19. Ông nhấn mạnh những FTA đang ngày càng mở ra những cơ hội cho xuất khẩu, đưa xuất khẩu là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, kéo theo cả chuỗi giá trị của nền kinh tế.
Những ngày cuối năm 2020, Tập đoàn công nghệ Bkav xuất khẩu lô hàng camera an ninh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI View đầu tiên sang Mỹ. Camera AI View có thể thực hiện các bài toán như nhận diện khuôn mặt, đếm số người, xác định khoảng cách xã hội, phát hiện lửa cháy, nhận diện biển số xe, chỗ trống trong bãi đỗ xe... Camera có mức giá hợp lý hơn 20% so với sản phẩm của các nhà sản xuất tên tuổi đến từ châu Âu.
Sự kiện xuất khẩu lô hàng công nghệ cao, do chính doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được coi là một trong những thành công cho việc chuyển hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp trong nhiệm kỳ qua. Trước kia, doanh nghiệp Việt thường xuất khẩu sản phẩm thô, hay chủ yếu sản xuất hàng gia công, thì nay có thể tự nghiên cứu, sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Theo Bộ Công Thương, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng liên tục từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% vào năm 2019.
Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tổng cục Thống kê cho biết tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và 6,72% năm 2019 và còn 5,55% năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp.
Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm, tạo thêm khoảng 300.000 việc làm mỗi năm
Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng có những bước tiến khá thành công về công nghiệp hỗ trợ. Điển hình như Samsung đã có 42 nhà cung ứng cấp 1 ở Việt Nam. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Tương tự, đến nay cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng một số ngành công nghiệp có thể phát triển tốt hơn, nhanh và bền vững hơn, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông nhận định vẫn còn một số vấn đề được triển khai chậm trễ, còn nhiều bất cập. Do đó, cần phải có những bước sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai cơ cấu lại các ngành công nghiệp, tiếp tục phát triển theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Một nhiệm vụ song song là khai thác hiệu quả thị trường nội địa gần 100 triệu dân, và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã là thành viên.
Đến dự hội nghị tổng kết năm 2020 của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
Ông cũng cho rằng phải coi doanh nghiệp là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Có như vậy, ngành công thương sẽ ngày càng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.