Trong thời đại bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, mọi tin tức chỉ cần vài giây để lan tỏa khắp các châu lục. Khán giả dễ dàng đến gần hơn với người nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới thông qua việc follow (theo dõi) trang cá nhân của họ.
Cũng chính vì thế, không ít fan Việt đã lợi dụng mạng xã hội để buông lời khiếm nhã, để lại bão dislike (không thích), kêu gọi tẩy chay trên trang mạng xã hội những ngôi sao quốc tế và vô tình để lại ấn tượng xấu trong mắt của khán giả nước ngoài. Một số trường hợp, khán giả nước bạn đã phản ứng gay gắt, chỉ trích trước những phát ngôn từ fan Việt.
Thế nhưng, đây dường như là thói quen khó bỏ cùa một bộ phận người dùng mạng xã hội. Việc khán giả Thái Lan lên án những bình luận khiếm nhã của fan Việt tại cuộc thi Miss Grand International 2022 là sự vụ điển hình.
Khán giả Thái Lan: "Bình luận của fan Việt khiến thí sinh bị tổn thương"
“Sản phẩm phẫu thuật thẩm mỹ hỏng của Hàn Quốc đây hả trời”, “Gái Hàn sao nay xuống cấp dữ vậy”, “Má Hàn này fake ghê”, “Có khi cho mấy chị diễn viên Hàn Quốc đi thi còn tốt hơn thí sinh này"... là những bình luận của cư dân mạng Việt Nam dưới bức ảnh đương kim Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên và người đẹp đại diện Hàn Quốc dự thi Miss Grand International 2022 ở Indonesia.
Không dừng lại ở đó, nhiều tài khoản mạng còn “tấn công” vào một số thí sinh khác như người đẹp đến từ Nga, Bỉ… bằng những bình luận khiếm nhã, chê bai ngoại hình, so sánh với Miss Grand International 2021 Thùy Tiên.
Khán giả Việt chê ngoại hình của thí sinh đại diện Hàn Quốc dự thi Miss Grand International 2022. |
Trên một group của Miss Grand International, một tài khoản mạng đến từ Thái Lan đã thể hiện sự bức xúc trước hành động của khán giả Việt Nam.
Người này chia sẻ lại hình ảnh những bình luận xấu xí của fan Việt và nhận xét: "Đây là những lời nhận xét thật tồi tệ. Chúng có thể làm tổn thương người khác. Nếu những bình luận này nhắm vào bạn, bạn cũng sẽ bị hạ gục. Nếu là một người rộng lượng, xin hãy để lại những bình luận tích cực. Tôi muốn các người đẹp đến từ nhiều quốc gia đều thoải mái với hoạt động của họ".
Bài đăng của khán giả Thái Lan nhận được sự đồng tình của đông đảo người yêu sắc đẹp ở nhiều nước. Hành động kể trên của những fan Việt cũng khiến cả công chúng Việt Nam bức xúc vì kém văn minh, lịch sự.
Tài khoản @lananhnguyen bình luận: “Mỗi người đẹp được cử đi thi Miss Grand International 2022 đều được quốc gia họ chọn lựa kỹ càng. Khán giả Việt không nên đưa ra những bình luận thô lỗ hay body shaming họ".
“Toàn những bình luận thể hiện sự bất lịch sự, kém văn minh của một bộ phận khán giả Việt. Quan điểm về sắc đẹp của mỗi người, mỗi quốc gia đều không giống nhau. Đừng lấy thí sinh này ra để so sánh với thí sinh khác”, một người khác nhận xét.
Chung quan điểm, tài khoản @vumy nói: “Không chỉ người nổi tiếng trong nước và người đẹp của nước ngoài cũng trở thành nạn nhân bắt nạt trực tuyến của một số tài khoảng mạng Việt. Thật đáng sợ. Hãy là một cư dân mạng văn minh, đừng làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế nữa”.
Fan sắc đẹp Việt cần thay đổi
Việc khán giả Việt Nam vào trang cá nhân của nhiều người đẹp quốc tế hay fanpage các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới và để lại những bình luận là tình trạng thường xuyên xảy ra. Những nội dung bình luận thường thấy là chê bai sắc vóc, kỹ năng, đưa những thông tin thiếu xác thực về các người đẹp đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Đáng chú ý, mỗi khi các sân chơi sắc đẹp như Miss Universe, Miss World hay Miss Grand International khép lại, "phong trào” bình luận kết quả chung cuộc đến từ fan Việt trong các group sắc đẹp toàn cầu hay fanpage của các cuộc thi rôm rả hơn bao giờ hết. Không ít tài khoản mạng sử dụng tiếng Việt để châm chọc, chê bai, thể hiện sự bất bình với kết quả cuộc thi đối với đại diện đến từ Việt Nam.
Một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quốc tế từng bị khán giả Việt "tấn công" trang cá nhân. |
Năm 2015, khi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Phạm Thị Hương – đại diện Việt Nam – góp mặt tại đấu trường Miss Universe nhưng không thể lọt vào top 15, đông đảo khán giả Việt Nam đã tràn vào fanpage cuộc thi và phản ứng dữ dội.
Nhiều fan Việt khi ấy gọi đây là “thảm họa lớn nhất của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ”, “quyết định đáng thất vọng của ban giám khảo”, “quyết định hủy hoại cuộc thi”… Không ít người cũng mạnh miệng kêu gọi tẩy chay Miss Universe vì “kết quả không công bằng”.
Một số cá nhân thậm chí còn dùng lời lẽ xúc phạm đến ban tổ chức, giám khảo của Miss Universe, quay sang tấn công Pia Wurtzbach - người đẹp Philippines đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2015 và cho rằng cô mua giải.
Năm 2021, Hoa hậu Pia Wurtzbach thêm một lần nữa trở thành nạn nhân của fan Việt khi đăng tweet nghi ngờ về lượng vote giúp Khánh Vân lọt top 21. Cô viết: "Chẳng lẽ Việt Nam có nhiều người hâm mộ sắc đẹp hơn cả Philippines sao?".
Cộng đồng fan sắc đẹp Việt ngay lập tức đổ tới trang cá nhân và để lại bình luận thất vọng về cách ứng xử của Wurtzbach.
Wurtzbach sau đó đã nhanh chóng xóa dòng tweet. Cô lên tiếng phân trần: "Tôi vừa ngủ dậy và thấy nhiều fan Việt Nam tức giận quá. Có vẻ như các bạn đã hiểu lầm chia sẻ đêm qua của tôi. Tôi không có ý nghĩ xấu hoặc làm tổn thương ai hết".
Nhiều ngôi sao nước ngoài như Hyoyoung, Ariana Grande, Charlie Puth... cũng từng bị khán giả Việt "tấn công" trên mạng xã hội bằng những bình luận xấu xí hay bão dislike.
Theo khảo sát của Microsoft công bố vào đầu 2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).
Nhiều ý kiến cho rằng những hành động như để lại bình luận chửi bới, kêu gọi bão dislike (không thích) hay đánh giá một sao trên fanpage của dân mạng đối với nghệ sĩ quốc tế, bất chấp đúng sai là một trong những lý do khiến Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng này.
"Người đẹp Việt Nam ngày càng được chú ý, thậm chí đạt thứ hạng cao ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Và đã đến lúc fan sắc đẹp Việt Nam cũng cần thay đổi để tiệm cận quốc tế", một người quan sát các cuộc thi hoa hậu nêu quan điểm.