Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dưới bóng những huyền thoại ở sân Luzhniki

Luzhniki là nhà hát của những huyền thoại, là trái tim của thể thao Liên Xô và nước Nga suốt hơn 60 năm qua. Đây là nơi tổ chức trận khai mạc và chung kết World Cup năm nay.

Khi Messi cùng đồng đội hạ cánh xuống Moscow, bắt đầu hành trình chinh phục cúp Vàng, thì tôi và đồng nghiệp đang tới Luzhniki, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc chỉ trong 3 ngày nữa.

Nếu đi được chặng đường dài tới chung kết, những La Albiceleste vừa cưỡi chiếc máy bay riêng của Rolling Stone tới Nga sẽ thi đấu trên chính sân đấu này, nơi là nhà hát của những huyền thoại, là trái tim của thể thao Liên Xô và nước Nga suốt hơn 60 năm qua.

san van dong World Cup 2018 anh 1
Messi và các đồng đội sau khi hạ cánh tại Moscow. Ảnh: Getty. 

Những hàng cột lớn mang âm hưởng Gothic của Luzhniky với sức chứa 81.000 người vẫn sừng sững ở đây kể từ những năm 1950 và là chứng nhân của vô số huyền thoại. Ở cổng khán đài C của sân vận động vừa hoàn thành cải tạo cuối năm ngoái vẫn còn bức tượng Lenin, nhà lãnh đạo nhà nước Liên Xô cách đây 90 năm.

“Nhà hát Bolshoi” của bóng đá Nga

“Với bất cứ cầu thủ Liên Xô nào, Luzhniki là sân đấu lớn nhất trên bình diện quốc gia, nó giống như Nhà hát Bolshoi với opera hay ballet”, hậu vệ Evgeny Lovchev, người từng đấu cho tuyển Liên Xô tại World Cup 1970 ở Mexico, nói với Fifa.

“Bom thủ” Gerd Muller, Bobby Charlton và các danh thủ thế giới khác trong đội hình World XI từng tới đây năm 1972 để vinh danh thủ thành huyền thoại Lev Yashin. Gấu Misha ở Olympic 1980 từng làm bao trái tim Nga và thế giới thổn thức ngay giữa căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Những thế hệ vàng của bóng đá Liên Xô 1966 hay kỷ nguyên Lobanovsky của những năm 1980 đều từng tranh tài ở sân vận động từng có tên sân trung tâm Lenin.

san van dong World Cup 2018 anh 2
Sân Luzhniki được cải tạo lại nhưng vẫn giữ phần mặt ngoài của sân được xây từ những năm 1950. Ảnh: T.Tuấn.

Với bóng đá thế giới, Luzhniki từng tổ chức giải vô địch thế giới trẻ năm 1985, nơi Claudio Taffarel cùng các đồng đội đã giành chức vô địch – trước khi vô địch hai lần nữa ở World Cup 1994 và 2002 trong màu áo Brazil. Đây cũng là nơi diễn ra trận chung kết Champions League năm 2008 giữa Chelsea và Manchester mà cú đá hỏng định mệnh của John Terry đã dâng chiếc cúp Champions League thứ 2 cho Sir Alex Ferguson.

Theo ước tính, có hơn 360 triệu lượt người đã tới sân Luzhniki trong hơn 62 năm tồn tại của sân vận động này. Hơn 50.000 bàn thắng (bao gồm cả hockey trên băng) đã được ghi nhận cùng hơn 60 kỷ lục thế giới được thiết lập ở sân vận động lớn nhất nhì châu Âu này.

Vùng đất của đầm lầy và dưa leo

Luzhniki vốn là khu vực ngoại ô phía tây nam của Moscow (tới giờ vẫn vậy), nơi người dân trồng dưa leo và dâu tây ở vùng đất trũng. Từ Luzhniki có nghĩa là “đồng cỏ” để nói về vùng đầm lầy mà tự nhiên khu vực này vốn vậy.

Quyết định xây sân vận động lớn nhất nước Nga được đưa ra sau khi đoàn thể thao Liên Xô thi đấu thành công ở Thế vận hội mùa Hè Helsinki năm 1952 với 71 huy chương (22 HCV) và xếp hạng 2 toàn đoàn. Đó là thành công lớn khi đây là lần đầu tiên các VĐV Xô Viết tham gia thi đấu ở đấu trường thế giới sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thắng phát xít. Để hoạt động thể thao thành công đòi hỏi Liên Xô cần có khu liên hợp thể thao lớn xứng tầm. Khu tổ hợp Luzhniki được đề xuất để trở thành nơi tập luyện cho đội Olympic và là nơi thi đấu các giải đấu lớn quốc tế và trong nước ở Liên Xô.

san van dong World Cup 2018 anh 3
Các phóng viên ảnh ở sân Luzhniki trong trận đấu vinh danh Lev Yashin năm 1972. Ảnh: Soviet Art.

Sân có tên ban đầu là sân vận động Trung tâm Lenin được xây trong giai đoạn 1955-56 với các vật liệu xây dựng đưa về từ Leningrad và Armenia, cột điện và các thanh gỗ làm ghế từ Ukraine, các thiết bị nội thất từ Riga và Kaunas, kính từ Minsk, gỗ sàn từ Siberia… Vì vùng đất ngập nặng, toàn bộ khu vực xây khu liên hợp đã được nâng nền lên nửa mét, khoảng 10.000 cọc xây dựng đã được đóng, khoảng 30 triệu m3 đất đá đã được nạo vét.

Khai trương năm 1956, sân vận động khi đó có sức chứa 103.000 ghế. Nếu mỗi chiếc ghế với độ rộng 40 cm đó được xếp thành hàng thẳng thì chiều dài sẽ là hơn 40 km – tương đương với độ dài của cuộc chạy marathon. Luzhniki còn từng được gọi là Thành phố Thể thao khi ở đó có cả một tổ hợp thể thao lớn. Đây từng là sân nhà của các đội như CSKA Moscow, Spartak Moscow và Torpedo Moscow.

Xây sân kiểu “matryoshka”

Để chuẩn bị cho World Cup, Luzhniki một lần nữa được phục dựng để phục vụ giải đấu. Sân vận động huyền thoại này sẽ tổ chức 7 trận trong đó có trận khai mạc và chung kết.

Việc thực hiện các công trình tham vọng như Luzhniki vốn khá phổ biến ở World Cup: Brazil xây sân vận động mới ở giữa rừng Amazon hồi World Cup 2014 hay Qatar xây sân vận động có điều hòa cho World Cup 2022. Tuy nhiên, riêng Luzhniki là dự án đặc biệt khi sân được xây lại phần bên trong còn giữ lại phần vỏ cách đây mấy chục năm của mình.

Một số chuyên gia miêu tả cách phục dựng này giống như con búp bê matryoshka nổi tiếng của Nga: thêm những phần ruột, cấu trúc mới bên ngoài lớp vỏ từ những năm 1950.

san van dong World Cup 2018 anh 4
Biểu tượng gấu Misha ở sân vận động trung tâm Lenin (tên cũ của Luzhniki) tại Olympic 1980. Ảnh: Getty. 

Sân vận động vẫn giữ phần bên ngoài được xây từ những năm 1950 trong khi thay đổi cấu trúc bên trong của sân để phù hợp với bóng đá hiện đại: bỏ đường chạy từ Thế vận hội 1980 để làm khán đài - cổ động viên có thể được gần với những gì diễn ra trên sân.

Marat Akhmadiyev, trưởng dự án, giải thích cách làm này với báo chí: “Chúng tôi xây sân vận động hoàn toàn mới bên trong một sân vận động cũ”.

Công việc này cũng đòi hỏi những thiết bị đặc biệt. Công ty xây sân đã phải có hệ thống giàn đỡ để giữ phần ngoài sân, trong một số trường hợp họ gỡ từng viên gạch cũ để thay vào bằng viên gạch mới trong khi xây thêm phần mái mở rộng và lắp đặt thêm những hàng ghế khán giả mới.

Sau World Cup 2018, Luzhniki sẽ là sân vận động hiếm hoi cùng với sân Olimpico của Rome, Olympiastadion của Munich, Stade de Frane ở Paris và sân Wembley cũ của London từng tổ chức cả chung kết World Cup, chung kết UEFA/Champions League và sân vận động chính của Thế vận hội mùa hè.

Khi tiếng còi khai mạc vang lên vào ngày 14/6 tới, Luzhniki sẽ lập một dấu mốc mới: lần đầu tiên World Cup được tổ chức ở một nước Đông Âu.

Và ở đây, ngôi nhà của những huyền thoại sẽ lại chứng kiến những ngôi sao và lịch sử mới sắp được thiết lập.

Đồi Chim sẻ, World Cup và tâm hồn nước Nga

Từ Đồi Chim sẻ nổi tiếng của Moscow, thu vào tầm mắt sân Luzhniki, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc World Cup 2018, tôi nghĩ nhiều về kỳ World Cup đầu tiên diễn ra ở nước Nga.

Marcelo - vũ khúc samba đưa Brazil chinh phục World Cup

Ở tuổi 30, Marcelo sẽ tới Nga với tham vọng vô địch World Cup, trả lại tất cả những dè bỉu từng nhắm vào Brazil của anh sau cơn ác mộng Belo Horizonte cách đây bốn năm.




Thanh Tuấn (từ Moscow)

Bạn có thể quan tâm