Trong một ngôi nhà bị đánh bom ở miền Đông Ukraine, quân đội Ukraine đang kiểm soát cẩn thận kho đạn của mình. Họ sử dụng cánh cửa để ghi chép số lượng, với nét vẽ nguệch ngoạc trên đó là số liệu của lượng đạn dược và pháo sáng.
Số lượng viện trợ không đủ
Tại tiền đồn ở miền Đông Ukraine, hàng chục quả đạn của súng cối chất thành đống. Tuy nhiên, chỉ huy Mykhailo Strebizh than thở rằng nếu các chiến binh của ông phải hứng chịu một trận địa pháo dữ dội, kho đạn của họ, ở mức tốt nhất, chỉ có thể đủ để bắn trả trong 4 giờ.
Giới chức Ukraine cho biết sự hỗ trợ của phương Tây đối với nước này là không đủ và không đến thực địa đủ nhanh trong giai đoạn khốc liệt này của cuộc xung đột.
Lính Ukraine đặt lựu pháo phía dưới thân cây để ngụy trang. Ảnh: New York Times. |
Lực lượng Nga đang dần đạt được bước tiến ở phía đông, nhưng các chuyên gia cho rằng họ đang chịu tổn thất.
Tuần trước, Mỹ đã tăng cường cam kết viện trợ lớn nhất của nước này cho Ukraine bằng việc công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá một tỷ USD, nhằm giúp đẩy lùi hoặc đảo ngược các bước tiến của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc cung cấp viện trợ như vậy không theo kịp nhu cầu của Ukraine. Điều này một phần do ngành công nghiệp quốc phòng không sản xuất vũ khí đủ nhanh.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức tuần trước báo cáo rằng Mỹ đã chuyển giao khoảng một nửa so với cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine. Đức cũng đã hỗ trợ 1/3 so với cam kết của họ. Ba Lan và Anh đều đã thực hiện được phần lớn những gì họ đã hứa.
Đầu tháng này, Đại sứ Ukraine tại Madrid Serhii Phoreltsev đã cảm ơn Tây Ban Nha - quốc gia đã công bố vận chuyển một lô hàng gồm 200 tấn viện trợ quân sự vào tháng 4. Tuy nhiên, ông cho biết số lượng đạn dược đi kèm chỉ đủ cho khoảng hai giờ chiến đấu.
Chiến binh Ukraine Volodymyr Demchenko, vốn từng là một nhà làm phim, đã đăng tải một video bày tỏ lòng biết ơn đối với những khẩu súng do Mỹ gửi.
“Những khẩu súng đẹp và 120 viên đạn cho mỗi khẩu. Tuy nhiên, nó giống như 15 phút của một giao tranh”, ông than thở.
Lính Ukraine cần được huấn luyện
Một phần của vấn đề cũng nằm ở chỗ, lực lượng Ukraine quen thuộc hơn với các loại vũ khí từ thời Liên Xô. Họ phải được huấn luyện để sử dụng các khí tài theo kiểu của NATO mà họ đang tiếp nhận.
Nhiều người Ukraine đã ra nước ngoài để được huấn luyện về các loại vũ khí của phương Tây.
Trong một tỷ USD cam kết từ Mỹ, chỉ hơn 1/3 số đó sẽ được Lầu Năm Góc chuyển giao nhanh chóng. Phần còn lại sẽ đến Ukraine trong thời gian dài hơn. Cam kết, bao gồm 18 lựu pháo và 36.000 viên đạn cho chúng, đáp ứng yêu cầu của Ukraine về vũ khí tầm xa hơn.
Những quả đạn của một đơn vị pháo binh Ukraine được cất giữ bên trong một ngôi nhà ở ngôi làng gần chiến tuyến ở vùng Donetsk. Ảnh: AP. |
Song theo AP, con số đó vẫn còn kém xa so với những gì Ukraine mong muốn. Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, tuần trước cho hay Ukraine cần khoảng 1.000 lựu pháo cỡ nòng 155 mm, 300 pháo phản lực phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.
Ben Barry, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh), cho biết những gì Ukraine phải làm là thực hiện “chiến dịch phản công” để đáp trả hỏa lực pháo binh của Nga.
“Ukraine đang nói rằng họ không có đủ tên lửa tầm xa để chế áp pháo binh Nga. Tôi nghĩ họ có thể đúng”, ông nói.
Như hiện nay, lính Ukraine thường phải sử dụng chiến thuật "bắn và chạy" - khai hỏa, sau đó di chuyển trước khi Nga có thể áp sát họ.
Những vũ khí tốt hơn của NATO, ngay cả với số lượng nhỏ, thường được hoan nghênh.
Một trung úy Ukraine đã khen ngợi về độ chính xác, tốc độ bắn, cách sử dụng đơn giản và việc dễ dàng ngụy trang của lựu pháo M777 - vũ khí được Mỹ cung cấp. Ông cho biết vũ khí mới này “nâng cao nhuệ khí của chúng tôi” và khiến đối phương mất tinh thần vì họ nhìn thấy hậu quả sẽ là gì”.
Denys Sharapov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, từng cho biết các hệ thống vũ khí đã nhận được chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu của đất nước.
Bên cạnh đó, trả lời tạp chí National Defense, ông Sharapov nói rằng không nhà cung cấp riêng lẻ nào có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
“Thật tiếc cho chúng tôi, chúng tôi đã trở thành nước tiêu thụ vũ khí và đạn dược lớn nhất trên thế giới”, ông nói.
Về việc cuộc giao tranh như vậy có thể kéo dài bao lâu, nhà phân tích Francois Heisbourg, cố vấn cấp cao của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris, cho biết một cuộc chiến tiêu hao kéo dài nhiều năm là “hoàn toàn có thể xảy ra”.