Năm 2021, DHG lên kế hoạch doanh thu 3.970 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 821 tỷ đồng, tương đương mức năm ngoái thực hiện.
Đáng nói lý do đưa ra kế hoạch này giảm không đến từ kinh doanh cốt lõi mà từ việc dự báo giảm thu nhập tài chính khi lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, theo lý giải của ban lãnh đạo.
Báo cáo tài chính quý I/2021 của Dược Hậu Giang cho thấy tính đến 31/3, công ty có khoản tiền gửi có kỳ hạn 2.430 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cuối năm 2020.
Ba tháng đầu năm, công ty tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 1.017 tỷ đồng, tăng 18,5%; lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, tăng 15,2%. Kết quả này đã tương đương gần 28% chỉ tiêu cả năm.
Kết quả có được theo nhà sản xuất dược này đến từ việc tập trung bán hàng sản phẩm chủ lực, tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và khách hàng, quản lý tốt khoản phải thu và hàng tồn kho.
Doanh thu và lợi nhuận của Dược Hậu Giang qua các năm | |||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Doanh thu | tỷ đồng | 4062 | 3882 | 3896 | 3755 |
Lợi nhuận | tỷ đồng | 642 | 651 | 631 | 738 |
Năm ngoái hãng dược ghi nhận doanh thu 3.755 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 4% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gần 17% đạt 738 tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp đạt được kể từ khi niêm yết năm 2006. Kết quả đến từ việc tập trung cho nhóm sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp là nhóm sản phẩm kháng sinh và giảm đau.
Công ty đưa ra mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 với tăng trưởng bình quân 8-10%/năm, so với mức tăng trưởng bình quân của ngành dược 11%, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM.
Ban lãnh đạo DHG cho biết đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng nhà máy Betalactam chuẩn toàn cầu để sản xuất các sản phẩm nhóm kháng sinh và giảm đau - nhóm sản phẩm chiếm khoảng một nửa cấu trúc sản phẩm của DHG. Với nhóm sản phẩm hỗ trợ (tim mạch, tiểu đường), công ty cũng sẽ đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn Japan-WHO.
Lãnh đạo công ty cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh cho mảng xuất khẩu dựa trên nền tảng hợp tác với cổ đông chiến lược Nhật Bản là Taisho, sau khi công ty Nhật nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,01%, qua đó nắm quyền chi phối hãng dược Việt vào năm ngoái.